Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Ăn vải không gây bệnh viêm não Nhật Bản'

(VTC News) -

Các bác sĩ khẳng định, thông tin ăn vải dễ gây bệnh viêm não Nhật Bản là không có cở sở khoa học.

Thời gian gần đây mạng xã hội lại xuất hiện thông tin cho rằng ăn vải dễ bị nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản khiến nhiều người hoang mang, không dám ăn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng Khoa Côn trùng - Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khẳng định, đây chỉ là tin đồn suy đoán, không có căn cứ khoa học. "Thông tin này bắt nguồn từ sự trùng lặp thời điểm mùa vải và mùa bệnh viêm não Nhật Bản", ông Dũng nói.

Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Mùa viêm não Nhật Bản diễn ra vào cuối xuân đầu hè, hoặc cuối hè đầu thu nên các bậc phụ huynh cần cảnh giác. Trẻ bị viêm não Nhật Bản sẽ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong.

Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong thiên nhiên là các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và loài động vật có xương sống. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt.

"Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh và tất nhiên việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản", bác sĩ Dũng nói.

T S Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Côn trùng - Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Giá trị dinh dưỡng trong quả vải

Theo bác sĩ Tạ Tùng Duy - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, quả vải chủ yếu là nước (82%) và carbs (16,5%). Trong 100 gram quả vải thiều tươi chứa Carbs: 16,5 gram, Chất đạm: 0,8 gram, Đường: 15,2 gam, Chất béo: 0,4 gam, Chất xơ: 1,3 gram.

Quả vải rất giàu vitamin C và các loại khoáng chất như kali, đồng... Mùa vải thường kéo dài trong hơn một tháng, thường bắt đầu từ giữa tháng 5 tới đầu tháng 7.

Bác sĩ Duy khuyến cáo, với người bình thường chỉ nên sử dụng từ 5 - 10 quả/ngày. Chỉ ăn quả vải đã chín đủ, không ăn vải xanh hoặc nhai, cắn hạt vải khi ăn. Bạn cũng không nên ăn quá nhiều vải cùng một lúc vì dễ bị đau rát lưỡi, sinh nhiệt, "say vải", ngộ độc vải dẫn đến buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt.

Chuyên gia khẳng định, ăn vải không mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Ai nên hạn chế ăn vải

Bác sĩ Duy cho hay, người mắc bệnh đái tháo đường nên hạn chế ăn quả vải. Trong cùi quả vải thiều nhiều đường glucoza. Nếu ăn lượng lớn quả vải tươi cùng lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Lượng đường glucoza tăng đột biến, dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người bị đái tháo đường.

Người cơ địa dị ứng nên hạn chế ăn quả vài. Vải có thể gây dị ứng, do vậy, nếu ăn quá nhiều quả vải có thể gây rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể và phát sinh các triệu chứng dị ứng như phù nề da, tiêu chảy, đau đầu, khó thở, chóng mặt và buồn nôn.

Người đang bị sốt hoặc người nổi nhiều mụn nhọt không nên ăn nhiều vải. Vải là loại quả tính nóng vì thế khi ăn nhiều vải sẽ gây ra cảm giác nóng nực, khó chịu, nhiệt miệng. Bên cạnh đó, lượng đường cao trong quả vải có thể là nguyên nhân khiến cơ thể mọc rôm sảy, mụn nhọt, thậm chí có trường hợp dẫn tới những phản ứng tiêu cực như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn.

Một số phụ nữ đang mang bầu thường có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt những người tiền sử bị đái tháo đường hoặc thừa cân. Vì vậy bà bầu không nên ăn nhiều vải. Bà bầu và trẻ em không nên ăn quá 3 - 4 quả/lần.

Trong một vài ngày trước khi diễn ra chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường lo âu, trầm cảm, căng thẳng tinh thần do sự mất cân bằng hormone estrogen và progesterone. Do đó, khi đang trong giai đoạn này, chị em cần hạn chế ăn nhiều vải.

Nguyễn Ngoan

Tin mới