Ai cũng sợ mùi của tỏi và thường chỉ ăn được tỏi đã nấu chín. Sự thật, tỏi sống mới giữ nguyên trọn vẹn được tất cả dinh dưỡng.
Buổi sáng là "thời điểm vàng" để ăn tỏi sống, bởi lúc này bụng còn rỗng. Các đặc tính của tỏi sẽ tác động đến các vi khuẩn tốt bên trong cơ thể, kích thích hoạt động của chúng.
Ăn tỏi buổi sáng nổi tiếng với công dụng làm sạch mạch máu. Người Trung Quốc ví mạch máu là "cội nguồn của tuổi thọ" và tỏi chính là "vua bảo vệ mạch máu, nếu ăn tỏi đều đặn thì tuổi 75 cũng không sợ bệnh".
Thói quen ăn tỏi sống đều đặn mỗi sáng có thể giúp thúc đẩy nhu động của mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, có tác dụng thanh lọc máu rất tốt, bài tiết độc tố trong máu, từ đó giúp mạch máu khỏe hơn. Đồng thời, tỏi cũng có tác dụng chống ung thư vú. Các nhà khoa học đến từ Đại học Buffalo (UB) của Mỹ đã thực hiện một cuộc nghiên cứu, cho thấy những người thường xuyên ăn tỏi có dấu hiệu giảm nguy cơ ung thư vú đến 67%.
Tỏi rất tốt nhưng mỗi sáng chỉ nên ăn tối đa 1 tép tỏi. Đồng thời tỏi cũng không nên kết hợp một cách tùy tiện, dưới đây là một số cấm kỵ.
Thực phẩm không nên kết hợp cùng tỏi
1. Thịt gà
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Việt Nam), nhiều vùng miền có thói quen chấm thịt gà cùng chút muối, giã thêm chút hành củ khô hoặc tỏi nhưng đây là sự kết hợp sai lầm.
Trong Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn (ấm), hơi độc. Thịt gà cũng tính ôn. Sự kết hợp này sẽ gây đại nhiệt, khiến cơ thể khó tiêu và dễ sinh ra táo bón, kiết lị.
2. Hành lá
Lương y Sáng nói, tỏi không được ăn sống cùng với hành lá. Ăn hai thứ này với nhau sẽ không tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa, sẽ gây tiêu chảy và đau bụng. Tuy nhiên, nếu cả hai đều được đun nóng và nấu chín thì không cần phải lo lắng.
3. Thịt cừu
Tỏi và thịt cừu là những nguyên liệu có tính ấm, khi ăn chung có thể làm cơ thể khô nóng, đặc biệt nếu ăn vào mùa hè sẽ gây bức bối cho cơ thể.
4. Cá trắm
Cá trắm dù là thực phẩm bổ dưỡng, thơm ngon nhưng cần lưu ý không nên ướp cá với tỏi mà chỉ nên dùng gừng, thì là. Lý do bởi, cá trắm có tính bình, vị ngọt không phù hợp với tỏi, nếu cho tỏi vào dễ dẫn đến thức ăn gây chướng bụng.
5. Rượu
Tỏi và rượu đều là những thực phẩm có tính nóng, dùng chung một lúc có thể khiến cơ thể mệt mỏi, bức bối, chóng mặt, khó chịu.
6. Thịt chó
Thịt chó là thực phẩm giàu đạm vì thế nếu kết hợp với tỏi có tính cay, nóng có thể sinh ra chứng trướng bụng, tả lỵ. Thay vào đó, thịt chó rất phù hợp để kết hợp với riềng, sả, gừng.
Những người cần hạn chế ăn tỏi
Bệnh nhân dạ dày, tiêu chảy, bị dị ứng với tỏi, phụ nữ mang thai, huyết áp thấp, mắc bệnh về mắt... không nên ăn tỏi sống.
Tỏi là thực phẩm gây cay nóng, tác dụng phòng ngừa bệnh tật. Nhưng với người đang bị bệnh nặng thì không nên ăn tỏi dù đã nấu chín hay chưa vì có thể xảy ra tác dụng phụ. Ngoài ra, các thành phần trong tỏi còn có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc, khiến bệnh ngày càng nặng thêm. Do đó đang dùng thuốc thì cần hỏi bác sĩ trước khi ăn tỏi.