Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ăn sữa chua mỗi ngày giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng

(VTC News) -

Các chuyên gia cho rằng ung thư đại tràng là do chế độ ăn uống, nhưng đồng thời cũng có thể được ngăn ngừa bằng cách cải thiện thói quen ăn uống.

Một nghiên cứu do các chuyên gia Mỹ công bố báo cáo trên tạp chí Gut, cho biết ăn 1 cốc sữa chua mỗi ngày có thể làm giảm tỷ lệ nguy cơ mắc ung thư đại tràng tới 26%.

Loại bệnh bắt nguồn từ ăn uống

Ung thư đại tràng là loại ung thư khá phổ biến hiện nay. (Ảnh: Sohu)

Ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến thứ hai ở Hong Kong, Trung Quốc, chỉ sau ung thư phổi. Theo thống kê của ngành y tế, năm 2022, có 2.270 người chết vì ung thư đại tràng, chiếm 15,4% tỷ lệ tử vong do ung thư. Các triệu chứng của ung thư đại tràng gồm: Thói quen đại tiện thay đổi không rõ lý do, phân có máu hoặc nhiều chất nhầy, vẫn cảm giác muốn đi đại tiện sau khi đi đại tiện, đau bụng liên tục.

Tuy nhiên, giáo sư William Trương – một chuyên gia về căn bệnh này cho biết, ung thư đại tràng thực chất là bệnh bắt nguồn từ ăn uống mà ra, do đó chỉ cần có thói quen ăn uống lành mạnh, bạn có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.

Vũ khí bí mật giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng

Giáo sư William Trương cho biết, theo báo cáo được công bố trên tạp chí Gut của nhóm nghiên cứu Đại học Washington (Mỹ), ăn một cốc sữa chua mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng tới 26%. Hiệu quả này đặc biệt rõ ràng ở nam giới.

Kết quả từ thí nghiệm so sánh cho thấy, tỷ lệ người ăn sữa chua ít nhất 2 lần mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh Polyp u tuyến ống (loại polyp phổ biến trong kiểm tra đại tràng) giảm 19%, và tỷ lệ nguy cơ phát triển thành ung thư đại tràng do mắc bệnh Polyp u tuyến ống giảm 26%.

Sữa chua giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng vì nó chứa lợi khuẩn giúp cải thiện môi trường đường ruột, thúc đẩy nhu động ruột, thải độc, chống táo bón, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, giảm lượng chất gây ung thư trong đường ruột.

Sữa chua giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng tới 26%. (Ảnh: Sohu)

Ngoài ra, sữa chua dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa bò vì trong quá trình lên men, đường lactose trong sữa bò được vi khuẩn lactic phân hủy thành axit lactic, protein và chất béo trong sữa bò bị thủy phân ở mức độ khác nhau, chuyển hóa thành các peptide và axit amin có lợi cho sức khỏe con người.

Sữa chua chứa gần như tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, chẳng hạn như lượng canxi dồi dào. Canxi là khoáng chất cần thiết cho răng và xương khỏe mạnh, chỉ cần một cốc sữa chua là đủ 49% nhu cầu canxi hàng ngày của bạn.

Cứ 200 gram sữa chua có 12 gram protein. Protein có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất, duy trì cảm giác no, kiểm soát cân nặng bằng cách tăng cường tiêu hao năng lượng hoặc đốt cháy calo. Nếu bạn ăn sữa chua Hy Lạp, lượng protein trong sữa chua Hy Lạp cao hơn sữa chua thông thường, 200 gram sữa chua Hy Lạp cung cấp 22 gram protein, tác dụng no bụng rõ rệt hơn. Sữa chua còn giàu vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12 và riboflavin, cả hai đều có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch và một số dị tật ống thần kinh.

Bên cạnh đó, sữa chua còn mang tới những lợi ích cho sức khỏe khác như ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ ung thư đại tràng; tăng cường cảm giác no, hỗ trợ kiểm soát cân nặng; điều hòa huyết áp; thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Việc thường xuyên sử dụng sữa chua chứa lợi khuẩn có thể tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh cảm lạnh thông thường, thời gian mắc bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợi khuẩn có thể chống viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng virus đến bệnh đường ruột, vitamin D trong sữa chua cũng giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch.

Sữa chua cũng chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng để duy trì sức khỏe xương, bao gồm canxi, protein, kali, photpho và vitamin D. Những vitamin và khoáng chất này giúp ngăn ngừa loãng xương, tình trạng mật độ xương thấp, xương yếu và dễ gãy ở người cao tuổi. Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ ít nhất 3 phần sữa chua mỗi ngày, ví dụ như sữa chua, giúp duy trì khối lượng và độ chắc khỏe của xương.

Việc thường xuyên sử dụng sữa chua chứa lợi khuẩn có thể tăng cường hệ miễn dịch. (Ảnh: Sohu)

Thành phần chất béo trong sữa chua chủ yếu là chất béo bão hòa, một lượng nhỏ axit béo không bão hòa đơn, chất béo bão hòa trước đây được cho là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, nhưng thực tế không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy chất béo trong sữa chua có hại cho sức khỏe.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu, việc hấp thụ chất béo bão hòa từ các sản phẩm sữa nguyên chất có thể làm tăng lượng cholesterol "tốt", giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch nói chung. Các sản phẩm sữa như sữa chua cũng giúp hạ huyết áp, huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch.

Những người không nên ăn sữa chua

Một số người thiếu men lactase (men cần thiết để phân giải lactose), dẫn đến tình trạng không dung nạp lactose. Lactose là loại đường có trong sữa bò, việc tiêu thụ các sản phẩm sữa có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng và tiêu chảy. Do đó, những người không dung nạp lactose có thể cần tránh ăn sữa chua.

Tuy nhiên, một số người không dung nạp lactose có thể dung nạp được sữa chua vì một phần lactose được phân giải trong quá trình sản xuất, và lợi khuẩn có thể giúp tiêu hóa.

Ngoài ra, nếu bạn dị ứng với sữa bò, việc ăn sữa chua có thể gây ra phát ban, sưng phù, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều loại sữa chua chứa nhiều đường bổ sung, đặc biệt là sữa chua ít béo, việc tiêu thụ quá mức có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tiểu đường và béo phì. Việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến nguy cơ bị thừa đường.

Quốc Thái (Nguồn: HK01)

Tin mới