Bài công bố trên tạp chí Cancers xác định được một dẫn xuất axit salicylic tên là 2,4,6-trihydroxybenzoic acid (2,4,6-THBA) có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư.
Ban đầu, các tác giả từ Đại học Bang South Dakota (Mỹ) xem xét aspirin, chính là một nguồn axit acetylsalicylic dễ tìm từ dược phẩm, về cách nó làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, sau khi xác định được nguồn gốc sâu xa của tác dụng kỳ diệu này là dẫn xuất 2,4,6-THBA, họ thử tìm kiếm nó trong tự nhiên.
Các loại trái cây và rau giàu flavonoids là "kho vàng" cho mọi người và các nhà bào chế dược phẩm trong công cuộc chống lại ung thư ruột (Ảnh minh họa từ Internet)
Kết quả ngoài mong đợi, nguồn 2,4,6-THBA trong tự nhiên dồi dào nhất, dễ tìm nhất chính là quá trình tiêu hóa của con người đối với một số thực phẩm. Cụ thể, khi chúng ta tiêu hóa flavonoids – thứ được biết đến như chất chống oxy hóa nhiều công năng, 2,4,6-THBA được sinh ra. Trong khi đó flavonoids vốn có thể tìm thấy trong khá nhiều loại trái cây, rau và trà.
Theo giáo sư – tiến sĩ Jayarama Gunaje, người đứng đầu nghiên cứu, họ phân tích sâu hơn và nhận thấy 2,4,6-THBA làm chậm cả quá trình mỗi tế bào tự phân chia lẫn tốc độ phân chia tế bào nói chung ở các tế bào bắt đầu bị căn bệnh tấn công.
Việc này tạo điều kiện cho bản thân các tế bào mới ở giai đoạn bị tổn thương DNA chứ chưa hẳn là bệnh có thêm thời gian và cơ hội để tự sửa chữa DNA bị hư hỏng của nó. Với các tế bào thực sự đã là tế bào ung thư, việc làm chậm tốc độ phân chia giúp hệ miễn dịch thêm có hội xác định vị trí và tiêu diệt chúng.
Vì vậy, việc xác định được tác dụng của 2,4,6-THBA có thể là tiền đề cho một loại thuốc điều trị ung thư mới hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn. Việc điều chế nó với giá thành thấp cũng rất triển vọng một khi 2,4,6-THBA có thể tìm thấy trong tự nhiên.
Với bản thân mỗi người, việc làm cho cơ thể sản sinh 2,4,6-THBA cũng giúp bạn tự giảm thiểu rủi ro mắc ung thư ruột (tức ung thư đại trực tràng), vốn là loại ung thư phổ biến hàng thứ tư và gây tử vong hàng thứ tư tại Mỹ.
Điều đó khá đơn giản: đừng quên tiêu thụ flavonoids. Nguồn flavonoids tự nhiên rất nhiều: trà xanh, trà đen, vỏ táo, vỏ nho dùng để sản xuất rượu vang, các loại quả mọng (dâu, việt quất…), trái cây có múi (cam, quýt…), hành tây, bông cải xanh, bắp cải, chocolate đen, các loại đậu.