Theo cổng thông tin N+1, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ Vikrant đã vượt qua thành công các bài kiểm tra neo đậu. Các chuyên gia đã thử nghiệm hoạt động của 4 động cơ tuabin khí LM2500, bộ truyền động, cánh quạt biến tốc và hệ thống điều khiển.
Ngoài ra, con tàu cũng được kiểm tra hệ thống lái, điều hòa không khí, hệ thống bơm, cùng thiết bị chữa cháy, máy phát điện, hệ thống động lực và các thiết bị boong tàu.
Sau giai đoạn thử nghiệm này, tàu sân bay Vikrant sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên biển đầu năm 2021. Cụ thể, các chuyên gia sẽ kiểm tra các thiết bị trên tàu hoạt động trong điều kiện thực tế, đồng thời đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu dự án, bao gồm tốc độ, độ ổn định và lực đẩy.
Tàu sân bay nội địa đầu tiên Vikrant của Ấn Độ thử nghiệm thành công. (Ảnh: Indian Navy)
Ấn Độ bắt đầu chế tạo Vikrant từ năm 2009 tại nhà máy đóng tàu Cochin. Năm 2013, tàu sân bay này được đưa vào hoạt động. Ban đầu con tàu được lên kế hoạch thử nghiệm neo đậu trên biển vào cuối năm 2015, nhưng sau đó phương án đã được thay đổi.
Tàu sân bay Vikrant được thiết kế theo sơ đồ STOBAR (Short Take-Off But Arrested Recovery - cất cánh ngắn, hạ cánh có hỗ trợ). Tàu sân bay có chiều dài 262 m, chiều rộng 60 m và trọng lượng choán nước là 40.000 tấn. Vikrant có thể đạt tốc độ lên đến 50 km/h và tầm hoạt động vào trên 14.800 km.
Vikrant được trang bị 4 bệ phóng pháo cỡ nòng 30 mm và 76 mm, đồng thời có thêm các bệ phóng tên lửa phòng không. Nhóm không quân của tàu bao gồm 40 máy bay, trong đó có 15 máy bay chiến đấu MiG-29K của Nga.
Hiện Hải quân Ấn Độ đang sở hữu 2 tàu sân bay là INS Viraat và INS Vikramaditya. INS Viraat hạ thủy năm 1944, được mua lại từ Anh năm 1986 và là tàu sân bay lâu đời nhất thế giới còn hoạt động.
Trong khi đó, INS Vikramaditya, có độ choán nước 45.000 tấn được Ấn Độ mua lại tàu sân bay trực thăng mang tên Đô đốc Gorshkov từ Nga với giá 2,35 tỉ USD. Tàu được biên chế cuối năm 2013 và đổi tên thành tàu sân bay INS Vikramaditya.
Nhằm thay thế các tàu sân bay cũ, Ấn Độ quyết định chế tạo một mẫu hàng không mẫu hạm nội địa, với sự trợ giúp cùng Nga và Italia, với tên gọi là lớp Vikrant.
Theo dự kiến ban đầu, con tàu sẽ được gia nhập lực lượng hải quân nước này năm 2018, nhưng dự án tiếp tục bị trì hoãn. Hiện chi phí cho dự án này rất lớn, với chi phí lên đến 3,5 tỉ USD.