Anh An, một người dùng Facebook tại Hà Nội chưa hết bàng hoàng khi bị kẻ gian lừa chuyển tiền theo cách thức mới. Anh kể, ngày 11/1 anh nhận được tin nhắn hỏi vay tiền từ một người quen. Số tiền người này vay là 15 triệu đồng. Ban đầu anh chút giật mình vì người bạn này chưa bao giờ vay tiền, và anh cũng từng nhận được nhiều cảnh báo cẩn trọng với các tình huống nhắn tin thế này.
Đang có chút nghi ngờ, thì kẻ gian lập tức gọi video. Nhìn thấy hình ảnh người quen, bất giác anh An tin bạn đang cần tiền và lập tức chuyển ngay 15 triệu đồng.
Không chỉ anh An, một số người bạn khác cũng nhận hình thức vay tiền kiểu đó. Mãi sau anh An mới biết bạn bị mất Facebook và các cuộc gọi đều là giả. Chỉ có số tiền bị mất của anh là thật.
Kẻ gian thực hiện một cuộc gọi video cho nạn nhân tin tưởng với yêu cầu chuyển tiền.
Thật ra, không chỉ an Anh mà trước đây một số người cũng bị lừa bằng thủ đoạn tương tự. Tháng 10/2020, kẻ gian sau khi chiếm được Facebook của một vận động viên thì cũng thực hiện cuộc gọi video giả, lừa người quen của vận động viên này để chuyển tiền.
Thủ đoạn kẻ gian sử dụng vẫn là hỏi vay tiền của người thân quen với người dùng bị mất Facebook. Sau đó thêm bước tạo một cuộc gọi video để nạn nhân tin tưởng và đề nghị chuyển tiền sang một tài khoản khác.
Theo chuyên gia Ngô Việt Khôi, Giám đốc công nghệ công ty bảo mật SenSecures Vietnam, việc tạo ra các cuộc gọi video giả rất đơn giản. Khi kẻ gian xâm nhập được vào Facebook của một ai đó, hắn có thể lấy được rất nhiều ảnh chân dung của chủ Facebook. Từ những góc mặt khác nhau, sẽ tạo ra được một đoạn video về cử động mặt của chủ nhân.
Một cách khác là video được tạo từ ảnh 3D mặt của nạn nhân. Hiện nay có nhiều ứng dụng cho phép tạo ra ảnh 3D từ một bức ảnh 2D và từ video này có thể tạo ra một cuộc gọi video giả. Đây hoàn toàn là hành vi lừa đảo, không cần kỹ năng của các tin tặc.
Để tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn trên, ông Khôi khuyên người dùng Facebook nên tự khó tính hơn khi đưa ra quyết định, bởi rất khó để mọi người nhận ra đây là một cuộc gọi video giả chỉ trong 5 giây. Khoản tiền vay thường khá lớn nên người được đề nghị vay cần gọi lâu hơn, ví dụ đặt thêm câu hỏi trong cuộc gọi là vay cho ai, bao giờ trả. Cuộc gọi kéo dài có thể làm lộ những điều bất thường. Đồng thời cần có thêm những cách xác nhận khác.
Ông cũng lưu ý mọi người nên tự bảo vệ tài khoản mạng xã hội của mình, tránh để kẻ gian xâm nhập, sử dụng cho những mục đích xấu.
Trong một buổi livestream về kiến thức an ninh mạng, HieuPC – chuyên gia của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia từng chia sẻ, việc lừa đảo trên mạng xuất phát từ việc có được sự tin tưởng của nạn nhân. Kẻ lừa đảo sẽ dành rất nhiều thời gian để theo dõi thói quen của nạn nhân.
Do vậy với trường hợp cuộc gọi video giả, người bị mất Facebook vào tay kẻ xấu sẽ bị kẻ gian nghiên cứu cẩn thận để tạo video chân thực nhất, gắn liền với thói quen của họ và những người bạn bị nhờ vay tiền sẽ không nghi ngờ.
Tuy nhiên thủ đoạn này cũng sẽ được sử dụng theo chu kỳ. Khi một thủ đoạn xuất hiện nhiều, bị các chuyên gia và truyền thông cảnh báo liên tục, thủ đoạn đó sẽ giảm tần xuất sử dụng vì nhận thức của các cá nhân tăng lên.