Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, thường xuyên ăn cá rất tốt cho sức khỏe. Cá cung cấp chất đạm và chất béo tốt, dễ tiêu hóa hơn so với đạm, mỡ từ thịt lợn, thịt bò. Ngoài ra, cá chứa nhiều khoáng chất quý. Khoáng chất trong thịt ít hơn và không đa dạng như trong cá.
Người dân miền biển ăn cá nước mặn nhiều hơn, trong khi người dân ở nơi không có biển thường ăn cá nước ngọt.
Tùy loại cá có giá trị dinh dưỡng khác nhau. So sánh tổng thể là hai loại ngang bằng về giá trị dinh dưỡng, nhưng cá biển cung cấp nhiều năng lượng hơn so với cá nước ngọt.
Trong các loại cá nước ngọt, cung cấp nhiều năng lượng nhất là cá tra, cá basa với khoảng 1.245-1.700 kcal/kg. Còn cá nước mặn chứa năng lượng cao nhất là cá ngừ, thu, trích với 1.500-23.000 kcal/kg.
Hiện môi trường ô nhiễm và cách thức nuôi trồng, cá nước mặn được nuôi thường sẽ an toàn hơn cá nước ngọt. Ở cá nước ngọt, nguy cơ tồn dư kim loại nặng, tồn dư hàm lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi là hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy nếu có điều kiện và có nguồn cá biển an toàn thì bạn nên ăn cá biển nhiều hơn.
Người cơ địa dị ứng và ngộ độc nên cẩn trọng với một số loại hải sản như mực, cá ngừ bởi chúng nguy cơ nhiễm các chất có khả năng gây ngộ độc thực phẩm.
Nói vậy không có nghĩa là bạn không ăn cá nước ngọt, mà nên ăn đa dạng. Nếu có nguồn cá nước ngọt đảm bảo an toàn thì ăn thường xuyên rất tốt cho sức khỏe.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chế độ ăn lành mạnh là bổ sung đa dạng thực phẩm, điều này không chỉ giúp bổ sung đầy đủ thành phần chất dinh dưỡng mà còn tạo cảm giác ngon miệng.