Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ám ảnh trắng đêm và khát vọng hòa bình của người lính bảo vệ biên cương phía Bắc

(VTC News) -

44 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trôi qua, nhiều người lính vẫn có những đêm trắng nhớ về trận chiến năm xưa và cháy bỏng khát vọng hòa bình hôm nay.

Ca khúc "Chiến đấu vì độc lập, tự do" của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Dù là người lính có mặt trong trận chiến ngày 17/2/1979, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Thái Long vẫn khắc khoải trở trăn muốn tự mình tìm câu trả lời trong cuộc sống hôm nay.

Ông tâm sự: “Trong trận Khau Chỉa có một câu chuyện cứ ám ảnh tôi mãi. Một số anh em trong trận chiến đồi 244 và cao điểm 300 Khau Chỉa luôn mang bên mình một bình tông rượu ngô, vừa bắn vừa thỉnh thoảng làm một ngụm.

Khát ư? Không hẳn. Uống thay nước ư? Đúng một phần. Uống để hăng lên ư? Cũng đúng. Uống để trấn an tinh thần xua đi nỗi sợ ư? Đúng. Uống để sẵn sàng đánh chết bỏ ư? Càng đúng.

Giặc bốn bề đông nghịt, hầm hào đổ sập, pháo bắn nát trận địa, đạn sắp cạn, không có quân tiếp viện, cầm chắc cái chết trong tay, uống cạn bi đông rượu rồi cầm AK đứng lên quạt những viên đạn cuối cùng vào đám giặc rồi chết cũng cam lòng...”.

 

- Thưa ông, viết được những dòng ám ảnh như thế, chỉ có thể là người đã đứng giữa lằn ranh sống - chết. Vào thời điểm ngày 17/2/1979, ông đang ở đâu và giữ nhiệm vụ gì?

Ngày đó tôi là y sĩ của tiểu đoàn 1, trung đoàn 567 là đơn vị chốt ở tuyến đầu cửa khẩu Tà Lùng (Việt Nam), ngay phía bên kia là biên giới cửa khẩu Thủy Khẩu (Trung Quốc).

Tiểu đoàn 1 của chúng tôi là đơn vị đầu tiên đánh  trả quân Trung Quốc xâm lược qua biên giới vào tờ mờ sáng ngày 17/2/1979. Ngày ấy tôi là y sĩ của tiểu đoàn trực tiếp chiến đấu với quân xâm lược.

- Như vậy có thể khẳng định ông là một nhân chứng trong sự kiện lịch sử đó. Tuy nhiên, duyên do nào mà ông trở thành tác giả của cuốn hồi ký Tiếng vọng đèo Khau Chỉa do Công ty Văn hóa và Truyền thông cùng Nhà xuất bản Phụ nữ vừa phát hành trong tháng 2 này?

Sau chiến tranh mấy chục năm, những người cựu chiến binh chúng tôi vẫn không thể nguôi ngoai được ký ức chiến tranh của những năm tháng 1979 đó. Năm 2012, một mình tôi lên cửa khẩu Tà Lùng (thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng), về đúng trận địa ngày xưa của tiểu đoàn mình, sờ tay lên cột mốc biên giới.

 

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình không thể quên những năm tháng cùng anh em đồng đội chiến đấu ở chiến trường này. Cảm xúc dâng trào lên trong tôi. Sau khi về hưu tôi tìm gặp lại đồng đội cũ để kết nối, cùng nhau ôn lại những câu chuyện chiến đấu năm xưa với ý nghĩ sẽ viết nên những hồi ức của đồng đội và của chính mình.

Và đến ngày 17/2/2019, kỷ niệm 40 năm bảo vệ biên giới phía Bắc thì chúng tôi được gặp gỡ nhau. Tình cảm của những cựu chiến binh trong buổi gặp gỡ hôm đó thôi thúc tôi viết nên cuốn sách này. Nếu không viết thì tôi thấy như còn “mắc nợ anh em đồng đội mình” - Không chỉ những người đã hy sinh mà cả với những người còn sống. Sau đó cuốn sách được viết ra và bây giờ được phát hành tới độc giả.

- Là một người lính rồi công tác trong ngành y, viết một cuốn sách dày tới 360 trang, đối với ông quả là không ít khó khăn?

Phải nói rằng cuốn sách không hẳn là hồi ký của riêng cá nhân tôi mà là hồi ức của cả những người đồng đội của tôi. Cuốn sách như một tác phẩm tổng hợp lại cuộc sống hôm nay và kỷ niệm năm xưa của tập thể anh em cựu chiến binh trung đoàn 567.

Bạn đọc sẽ thấy trong sách những câu chuyện khắc họa nhân vật là những người lính quả cảm giai đoạn 1979 - 1989 và những cựu chiến binh đang sống cuộc sống đời thường trong hòa bình hôm nay, những trận chiến đấu một mất một còn bảo vệ từng tấc đất biên cương.

Viết cuốn sách này vừa khó vừa dễ. Khó - bởi tôi không phải là nhà văn, nhà báo, tôi không có kỹ thuật gì trong lĩnh vực viết lách, văn chương. Nhưng dễ - vì những điều đó chúng tôi chắt lọc ra từ trái tim của mình, những chi tiết chân thực đã thành máu thịt của chúng tôi.

Như một mạch nước ngầm khi khơi vào thì nó ào ạt tuôn trào. Bất kỳ một cựu chiến binh trung đoàn 576 thuở nào, bây giờ cũng có thể kể như tôi về những trận chiến đấu của mình năm xưa.

 

- Là một y sĩ, sau đó đi học tiếp và trở thành bác sĩ chuyên ngành tâm thần. Nghề nghiệp sau này có liên quan gì đến đời quân ngũ của ông?

Sau chiến tranh, cuối năm 1979, tôi đi học bác sĩ trong quân đội và học xong tôi cũng ở lại trong quân đội. Đến năm 1987 tôi mới chuyển ngành ra ngoài. Tôi xin về Sở Y tế Bắc Giang thì không ai muốn làm chuyên ngành tâm thần. Chỉ có anh em bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành về người ta mới đưa về bệnh viện tâm thần thôi.

Nhưng khi làm ở bệnh viện tâm thần tôi mới thấy một điều là, những người lính chúng tôi từ chiến trường về thường có hội chứng hậu chiến tranh, đó là một lĩnh vực mà tôi muốn tìm hiểu.

Cuốn sách này cũng nói lên một phần về hội chứng hậu chiến tranh của những người lính từng chiến đấu ở biên cương phía Bắc. Đọc sách anh sẽ thấy hình ảnh những người lính trở về lặng lẽ với đời thường, vật lộn với cuộc sống và đau đáu một nỗi niềm với chiến trường xưa, cả những đêm trắng không ngủ gắn chặt với cuộc chiến xưa và cuộc sống nay.

 

- Xin ông hãy kể chi tiết hơn về những trải nghiệm trong chính cuộc đời ông và sự chứng kiến của ông về những người đồng đội?

Tất cả các nhân vật trong cuốn sách của tôi đều thấp thoáng hội chứng sau cuộc chiến, như người thủ trưởng mà chúng tôi kính trọng nhất là là vị tiểu đoàn trưởng mà chúng tôi vẫn tếu táo gọi một cách đầy yêu thương là bố Hoan.

Hình ảnh của bố Hoan xuyên suốt cuốn sách. Ông là người lính xuất thân từ nông dân thực thụ, nhưng buộc phải cầm súng để đánh giặc, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới.

Với chúng tôi bố Hoan là một người lính yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đất nước. Bỏ tay cày, cầm cây súng và khi giã từ vũ khí ông lại cầm lấy cái cày. Ông là một người bình thường, không màng tới công danh vật chất. Nhưng sâu thẳm trong ông vẫn có những uẩn ức khi chiến tranh đã lùi về quá khứ.

Hay như người lính Lưu Đình Khắc, chiến sĩ của tiểu đội 8 là người cuối cùng rút khỏi trận địa Tà Lùng chiều 18/2. Sau đó anh chiến đấu ở Khau Chỉa. Trải qua tất cả các cuộc chiến đấu, nhưng anh may mắn không bị thương. Chính vì thế anh không là thương binh, bây giờ anh cũng không là người có công theo chính sách của Nhà nước. Anh lặng lẽ sống bên mẹ già 90 tuổi…

Một người nữa cũng như thế là đại đội trưởng của đại đội 14 cối 82 - Đại đội anh hùng của trung đoàn chúng tôi - anh Nguyễn Ngọc Tư. Tôi viết về anh trong chuyện Người anh cả của đại đội anh hùng. Anh ấy cũng không bị thương và xuất ngũ về địa phương sống cuộc đời bình dị.

Dần dà, cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc mới được nói ngày một nhiều hơn trên truyền thông, trong sách vở và phần nào là lịch sử. Đấy là những tâm tư của những người lính từng chiến đấu dũng cảm ở mặt trận biên giới phía Bắc.

 

- Trong giờ phút này, ông có những mong muốn gì về quan hệ giữa hai nước Việt - Trung?

Đất nước đã hòa bình, càng trải qua những cuộc chiến tranh chúng ta mới càng trân trọng giá trị của hòa bình hôm nay, trân trọng máu xương mà những người chiến sĩ đã đổ xuống.

Nhưng lịch sử vẫn mãi là lịch sử, còn hòa bình và hữu nghị là câu chuyện của ngày hôm nay. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nhắc đến lịch sử, cũng như không thể quên đi những năm tháng chiến tranh ở biên cương phía Bắc.

Trước kia chúng tôi cầm súng bắn kẻ xâm lược, chiến đấu để bảo vệ đất nước, bảo vệ biên cương tổ quốc Việt Nam. Nhưng chúng tôi rất yêu hòa bình, chúng tôi yêu hòa bình hơn tất cả. Chúng tôi biết giá trị của hòa bình hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của chúng tôi - những người lính.

Tôi và đồng đội mong muốn đất nước được mãi mãi hòa bình và ngày càng phát triển. Chúng tôi mong muốn nhân dân hai nước sống chung trong hòa bình, hữu nghị. Đừng để xảy ra chiến tranh nữa. Nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua để cho hôm nay, ngày mai đừng bao giờ xảy ra chiến tranh.

 

 

 

Nguồn:

Tin mới