Trong trường hợp Thế chiến III nổ ra, Liên bang Nga sẽ ở cùng một phe với Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. Nhận định này được Thiếu tướng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ về hưu Osman Pamukoglu đưa ra trong trong sách “Chiến tranh thế giới thứ ba” của mình.
“Khi tình hình trở nên không thể chịu đựng nổi, người phát động chiến tranh sẽ là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” - trích dẫn lời Tướng Pamukoglu.
“Tia lửa làm bùng phát chiến tranh có thể chỉ đơn giản là một cuộc đụng độ đâu đó tại điểm biên giới, bắn hạ một chiếc máy bay, đánh chìm tàu cá, tấn công khủng bố, mưu sát hay bất kỳ sự cố không thể tưởng tượng nào khác. Thậm chí, lý do dẫn đến chiến tranh có thể là một sự kiện không xảy ra trong thực tế, nhưng sẽ được trình bày như thật vậy” - ông Pamukoglu dự báo.
Nga liệu có đứng về phía Mỹ trong Thế chiến III? (Ảnh: IA Rex)
Sau khi phân tích kinh nghiệm của các cuộc chiến tranh thế giới trong quá khứ, khi mà trong cả hai cuộc chiến tranh đó, Nga đều từng là đồng minh của Anh và Mỹ, chuyên gia quân sự người Thổ Nhĩ Kỳ đi đến kết luận rằng, trong một cuộc chiến mới khác, Nga có thể lại một lần nữa trở thành đồng minh của Mỹ, trong khi đó, liên minh của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ở thế đối đầu.
Đồng thời, ông Pamukoglu tin chắc rằng Thế chiến III là không thể tránh khỏi: việc liên tục gia tăng chi tiêu mua sắm, trang bị vũ khí hàng năm của các quốc gia có tham vọng trở thành siêu cường là dấu hiệu rõ ràng nhất cho điều này.
Ông Pamukoglu dự báo rằng, một cuộc chiến tranh lớn mới cũng sẽ tương tự như các cuộc xung đột trong quá khứ và có những điều kiện nhất định.
“Giống như trong quá khứ, chiến tranh bắt nguồn từ mong muốn của các quốc gia hướng tới phát triển kinh tế: không để mất hoặc muốn mở rộng khu vực thống trị của mình và kiểm soát các nguồn tài nguyên” - ông Pamukoglu cho biết.
Cuốn sách "Chiến tranh thế giới thứ ba" của ông Osman Pamukoglu.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định rằng, Thế chiến III sẽ không thực sự là một cuộc chiến của toàn bộ thế giới: các châu lục – châu Phi và Nam Mỹ - sẽ đứng sang một bên và không tham gia các hoạt động tác chiến.
Các khu vực nhạy cảm chiến lược có thể là nguyên nhân gây ra sự bủng nổ của Thế chiến III, theo chuyên gia, đó là các vùng Baltic, Đông Âu, Balkan, Trung Đông, Đông Á, bán đảo Trung - Ấn và Thái Bình Dương.
Trong cuộc phỏng vấn với NSN, ông Konstantin Blokhin, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề an ninh của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói rằng, việc rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sẽ cho phép Mỹ có cơ hội “tống tiền” thế giới bằng một cuộc chiến mới.
“Đó sẽ là công cụ để Mỹ củng cố vị thế đàm phán của mình trong hầu hết các vấn đề trên chính trường thế giới. Thứ hai, nếu những loại tên lửa này được triển khai ở châu Âu, thì châu Âu sẽ trở thành con tin cho quan hệ Nga-Mỹ. Người Mỹ sẽ tống tiền người châu Âu với nguy cơ xảy ra chiến tranh quy mô lớn giữa Mỹ và Nga ở châu Âu” - ông Blokhin phân tích.
“Điều đó có nghĩa là, người Mỹ sẽ không chỉ kiềm chế Trung Quốc và Nga, mà còn tăng cường kiểm soát các đồng minh của họ, cả ở châu Âu và châu Á” - chuyên gia kết luận.