Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thịt chim bồ câu được xem là "thượng phẩm" bồi bổ sức khỏe bởi chứa rất nhiều dinh dưỡng. 100 g thịt bồ câu chứa 142 kcal, 7,5 g chất béo và 17,5 g protein, bên cạnh các vitamin và khoáng chất.
Trong Đông y, thịt chim bồ câu tính bình, vị mặn, thành phần dinh dưỡng khá phong phú với hương vị thơm ngon, được xếp vào loại thực phẩm dinh dưỡng tốt cho người cao tuổi và trẻ em hoặc những người mới ốm dậy.
Thịt chim bồ câu có tác dụng bổ thận kiện tỳ vị, khí huyết... Sử dụng thịt chim bồ câu trong trường hợp gây yếu, hư nhược, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, phụ nữ có triệu chứng huyết hư tắc kinh....
Bác sĩ Vũ chỉ ra một số tác dụng đặc trưng của thịt chim bồ câu với sức khỏe người sử dụng như:
- Thịt chim bồ câu giúp bồi bổ cơ thể, tăng tốc phục hồi chức năng và chữa lành vết thương của người bệnh sau khi ốm dậy.
- Thịt chim bồ câu tác dụng giúp bổ não, tăng cường trí nhớ cũng như khả năng tư duy.
- Thịt chim bồ câu giúp dưỡng nhan cùng với việc tăng cường sinh lực cơ thể
Ai không nên ăn thịt chim bồ câu?
Ai không nên ăn thịt chim bồ câu
Bác sĩ Vũ cho hay, thịt chim bồ câu rất bổ dưỡng cho sức khoẻ tuy nhiên khi dùng cần lưu ý điều này để không làm tổn hại cho cơ thể:
- Những người bị sốt, người có thể chất nóng trong người không thích hợp ăn thịt chim bồ câu.
- Không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu, có thể gây nóng trong người, tăng nội nhiệt. Bạn chỉ nên ăn mỗi tuần 1-2 con.
- Những người bị dị ứng với thịt chim hoặc những người có bệnh tim, huyết áp cao nên hạn chế ăn cả da và mỡ của chim vì chứa nhiều chất béo và cholesterol.
- Người mắc bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan cấp tính thì không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu.
- Nên tránh ăn chim bồ câu với gan heo, thịt heo, nấm đầu khỉ, có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
- Không ăn chim bồ câu cùng với tôm, cá diếc có thể gây dị ứng.