Tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống COVID-19 giữa Bộ Y tế với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 điểm cầu về việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 tại việt Nam sáng nay 6/3, ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, qua khảo sát của các cơ quan quốc tế thì tỉ lệ người dân đồng ý tiêm vaccine COVID-19 cao nhất hiện là chiếm 98%. Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia này.
Ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế).
Khảo sát này do Mạng lưới nghiên cứu thị trường độc lập toàn cầu (WIN) thực hiện tại 32 quốc gia với gần 27.000 người.
Quá trình khảo sát cho thấy, 56% người dân ở Pháp và Lebenion đồng ý tiêm vaccine COVID-19. Trong khi đó, ở Trung Quốc và Ấn Độ tỉ lệ này là 91%. Tại Việt Nam, 98% người dân sẵn sàng để được tiêm vaccine.
Theo Bộ Y tế, ngày 8/3 tới, Việt Nam sẽ bước vào đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay. Trong lần này, những mũi vaccine COVID-19 đầu tiên sẽ được Bộ Y tế triển khai tiêm tại một số bệnh viện tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai… cho các nhân viên y tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã quán triệt tuyệt đối không được đưa người nhà, người thân quen vào danh sách được tiêm vaccine COVID-19 lần này tại các tỉnh. Những người được tiêm chỉ có các nhân viên y tế, bác sĩ, thầy thuốc, là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Quá trình tiêm chủng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người sẽ được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, nên tiêm cùng 1 loại vaccine. Sau mũi đầu tiên, nếu không có phản ứng quá nghiêm trọng mỗi người sẽ được tiêm liều tiếp theo. Trong trường hợp gặp phản ứng trầm trọng sẽ tính toán tới phương án hoãn tiêm.
Trước khi tiêm vaccine, các đối tượng thuộc nhóm tiêm sẽ được khám sàng lọc về sức khoẻ. Nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở sẽ không tiêm. Người tiêm cũng phải có trách nhiệm thông báo với cán bộ y tế nếu bản thân có mắc các bệnh lý nền kèm theo hoặc có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ. Người đang mắc COVID-19 sẽ phải điều trị khỏi bệnh và tiêm sau đó 6 tháng vì đã có miễn dịch nhất định.
Ngoài ra, đối với phụ nữ mang thai, lợi ích của vaccine vượt trội so với nguy cơ của bà mẹ và thai nhi. Nhóm có bệnh nền và người trên 65 tuổi được khuyến cáo tiêm vaccine vì có nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ cho con bú tiêm vaccine cũng không cần ngưng cho con bú. Ngoài ra, người bị HIV hay người từng mắc COVID-19 cũng được tiêm.