Ngày 14/5, BSCKII Nguyễn Quốc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 8 ông cháu vào viện, bé lớn nhất 7 tuổi, nhỏ nhất 22 tháng tuổi, được chẩn đoán ngộ độc do ăn nấm dại, nhưng không rõ loại nấm nào.
Hiện sức khoẻ của 8 bệnh nhân ổn định, tiên lượng tốt, đang được theo dõi thêm tại các khoa trong bệnh viện.
Các bệnh nhân này đều trú tại xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc. Họ vào viện khi xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói, chóng mặt vì ăn canh nấm lạ cùng với rau ngót, cơm ngô.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng tiếp nhận trường hợp cả nhà nhập viện sau bữa ăn có món nấm xào mướp. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được gia đình xin đưa về và mất tại nhà.
Các chuyên gia khuyến cáo phân biệt nấm độc dựa vào màu sắc, mùi và hình dạng của nấm. Thông thường, nấm độc màu sắc sặc sỡ, trên mũ nấm có đốm màu trắng, đen hoặc đỏ. Ngửi nấm mùi thơm, khi ngắt có nhựa chảy ra thì là nấm độc - không nên ăn. Bạn không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được trồng, không nên dựa vào hình thái, màu sắc để phân biệt nấm lành hay có độc, không nên ăn thử để khám phá, vì sau khi đun nấu, độc tố trong nấm vẫn không bị phá hủy.
Trường hợp ăn nấm và xuất hiện các biểu hiện ngộ độc như nôn nao, buồn nôn, nôn, đi ngoài, cần nhanh chóng gây nôn càng sớm càng tốt để đẩy bớt độc tố ra ngoài. Đồng thời, uống nhiều nước, tốt nhất là dùng oresol. Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.