Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

7 thói quen ăn uống phổ biến nhất đang làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

(VTC News) -

Những thói quen ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Những thói quen ăn uống không lành mạnh như thường xuyên sử dụng đồ uống có đường, không ăn rau xanh và trái cây, tiêu thụ quá nhiều carbohydrate... có thể ảnh hưởng đến lượng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim, đặc biệt là bệnh tiểu đường.

1. Không ăn sáng

Bỏ bữa sáng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Hãy nhớ rằng, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, đặc biệt là khi muốn ngăn ngừa bệnh tiểu đường. 

Nhịn bữa sáng và chờ cho đến khi ăn trưa tạo ra một phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng đến lượng insulin và sự kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, hãy sắp xếp thời gian để ăn một bữa sáng đơn giản và cân bằng, như vậy sẽ giúp giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu. Trứng, trái cây tươi, sữa chua, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt là lựa chọn lý tưởng cho bữa sáng.

(Ảnh minh họa)

2. Thường xuyên sử dụng đồ uống có đường

Thường xuyên sử dụng đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Hãy uống nước lọc khi bạn cảm thấy khát. Sữa ít béo cũng là một lựa chọn tốt. Nếu muốn uống nước trái cây, hãy đảm bảo rằng đó là nước được chế biến từ 100% trái cây tự nhiên, đồng thời nước không nên để quá nửa tiếng.

3. Không ăn rau xanh và trái cây

Nếu muốn ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng chế độ ăn uống, thì rau xanh và trái cây là lựa chọn lý tưởng. Thêm rau vào bữa ăn hàng ngày có thể giúp giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt là các loại rau không chứa tinh bột như rau bina, cà chua, bông cải xanh và bí. 

Trái cây cũng là một lựa chọn tuyệt vời. Dâu tây, việt quất và nam việt quất có chứa chất chống oxy hóa, có thể làm giảm huyết áp và chứng viêm, đồng thời cải thiện khả năng kháng insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả.

4. Không ăn cá

Nhiều loại cá rất giàu axit béo omega-3, giúp giảm nguy cơ bị huyết áp cao và bệnh tim, giữ cho động mạch khỏe mạnh và giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

5. Hấp thụ quá nhiều carbohydrate 

Giảm lượng carbohydrate hấp thụ vào cơ thể sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Ăn quá nhiều mì ống, khoai tây và bánh mì trắng có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và gây béo phì, điều này không tốt cho việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. 

(Ảnh minh họa)

Để tăng tốc độ giảm cân và kiểm soát cân nặng, bạn nên giảm lượng carbohydrate nạp vào cơ thể, duy trì sự cân bằng lượng đường trong máu, kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm trọng lượng cơ thể.

6. Ít ăn tối hoặc bỏ bữa tối

Người ít ăn tối, hoặc bỏ bữa tối thường sẽ có thói quen ăn vặt. Trong khi đó, ăn vặt vào ban đêm có thể làm tăng lượng đường trong máu và thay đổi quá trình tiết insulin.

Nếu muốn ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2, tốt nhất nên hạn chế ăn đồ ăn vặt vào đêm khuya. Thay vào đó, hãy ăn đủ ba bữa cân bằng dinh dưỡng mỗi ngày, để loại bỏ cảm giác thèm ăn vào ban đêm, từ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.

7. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa gây kháng insulin, đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Để bảo vệ sức khỏe, nên chọn ăn dầu thực vật có chứa chất béo không bão hòa đơn hoặc không bão hòa đa. 

Ngoài ra, nếu có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và gặp các vấn đề về tim mạch, thì dầu ô liu nguyên chất cũng là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu sử dụng dầu chứa nhiều calo và dùng quá nhiều dầu trong nấu ăn thì có thể gây tăng cân.

Trên đây là những thói quen có thể khiến bệnh tiểu đường trở nên trầm trọng hơn và gây ra các vấn đề sức khỏe khác. Việc tử bỏ các thói quen xấu, xây dựng lối sống lành mạnh có thể giúp ổn định đường huyết và đẩy lùi hội chứng chuyển hóa, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Ngoài ra, để có chế độ ăn uống phù hợp, hãy trò chuyện với bác sĩ để được tư vấn.

Lan Hương (Nguồn: Familydoctor)

Tin mới