Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh nhân tiểu đường ăn thuần chay, nói không với thịt: Điều này có đúng?

(VTC News) -

Gần đây có trào lưu nhiều bệnh nhân tiểu đường chọn thực đơn toàn món chay và nói không với thịt, điều này có thực sự hữu ích?

Bệnh nhân tiểu đường có nên ăn chay không? Câu trả lời là “Có”. Chế độ ăn chay là lựa chọn ăn uống rất lành mạnh, cho cả người bị tiểu đường lẫn người bình thường. Một số nghiên cứu chứng minh rằng thực hiện ăn chay có thể giúp ổn định và giảm tiến triển của bệnh tiểu đường. Lợi ích từ chế độ ăn thuần chay cho người bị tiểu đường, gồm: Kiểm soát lượng đường trong máu, Tăng độ nhạy với insulin, Kiểm soát cân nặng tốt hơn.

Chế độ ăn chay là một lựa chọn ăn uống rất lành mạnh, cho cả người bị tiểu đường lẫn người bình thường. (Ảnh minh họa)

Với người mắc bệnh tiểu đường, việc theo chế độ ăn thuần chay sẽ cần lập kế hoạch trước. Người bệnh tiểu đường ăn chay cần duy trì lượng carbs nạp vào cơ thể trong suốt cả ngày (vì carbs ảnh hưởng tới lượng đường trong máu nhiều hơn so với chất béo và protein). Các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ của bệnh nhân nên có thành phần cân bằng gồm carbs, protein và chất béo tốt.

  • Carbs: Bột ngũ cốc nguyên hạt (mì ống, bánh mì), gạo, yến mạch, khoai tây, trái cây, ngô.
  • Protein: Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (đậu phụ), đậu lăng, đậu Hà Lan, lạc, bơ hạt, các loại hạt.
  • Chất béo: Dầu oliu, dầu bơ, bơ, dừa, các loại hạt.

Tuy nhiên vẫn có nguy cơ tiềm ẩn của chế độ ăn thuần chay trên bệnh nhân tiểu đường như thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin B6, B12, niacin, sắt, iod, kẽm, canxi, chất béo Omega-3,... Người ăn chay trường, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường ăn chay có thể không bổ sung đủ protein và các loại axit amin (thành phần cấu tạo của protein) để duy trì sức khỏe. Protein rất cần thiết để tạo ra các mô mới của cơ thể và các axit amin cũng đóng nhiều vai trò khác nhau đối với sức khỏe.

Một nhược điểm khác mà người tiểu đường ăn chay có thể gặp phải chính là lạm dụng quá nhiều carb, có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu. Thực tế, thực phẩm từ thực vật có xu hướng chứa nhiều carbs hơn so với thực phẩm từ động vật.

Lời khuyên hữu ích 

  • Lên kế hoạch trước. Bệnh nhân cần lên kế hoạch cho bữa ăn, chuẩn bị sẵn một số món ăn nhẹ lành mạnh.
  • Ăn nhiều rau không có tinh bột: Các loại rau không chứa tinh bột có rất ít carbs nhưng lại đầy đủ chất xơ, chất dinh dưỡng, và tăng cảm thấy no cũng như ngon miệng mà không tác động nhiều tới lượng đường máu.
  • Cân bằng bữa chính và bữa phụ, nên đảm bảo rằng mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ đều đảm bảo sự cân bằng lành mạnh giữa các thành phần carbs, protein và chất béo cùng với một số loại rau không chứa tinh bột.
  • Bổ sung dưỡng chất phù hợp. Việc bổ sung dưỡng chất là cần thiết nếu bệnh nhân bị thiếu sắt, vitamin B12 và vitamin D. Cần đến bệnh viện kiểm tra và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
  • Ăn nhiều nguồn protein thực vật: Điều này đảm bảo bệnh nhân có đủ các axit amin thiết yếu với lượng cần thiết cho sức khỏe.
  • Thường xuyên theo dõi lượng đường máu: Nếu bị tiểu đường, kể cả khi không ăn chay trường thì bệnh nhân cũng nên kiểm tra lượng đường máu thường xuyên để biết được tình trạng sức khỏe của mình và thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy có bất kỳ thay đổi nào.
BS Đặng Xuân Thắng

Tin mới