Dưới đây là những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn bằng tiếng Anh khi tìm việc làm tại Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, hay Bình Dương, TP.HCM…, bạn đã sẵn sàng để trả lời thử chưa?
Mạng tuyển dụng trực tuyến Careerlink.
Can you introduce yourself? (Hãy giới thiệu về bản thân)
Sau màn chào hỏi có tính chất “dạo đầu” thì thông thường, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi: “Can you introduce yourself?”.
Nhà tuyển dụng không quan tâm quá nhiều đến vấn đề cá nhân mà điều họ muốn biết là giá trị của ứng viên. Chính vì thế, bạn nên nói ngắn gọn về thông tin cá nhân. Quan trọng hơn, hãy nhấn mạnh, bạn đã có kinh nghiệm gì và có thể làm gì để cống hiến và đóng góp cho doanh nghiệp.
How did you hear about this position? (Bạn biết thông tin tuyển dụng từ đâu?)
Nhà phỏng vấn thường chú trọng việc bạn tiếp cận nguồn tin tuyển dụng từ đâu. Điều này phản ánh, bạn là người chủ động và trách nhiệm như thế nào trong hành trình tìm việc.
Bạn có thể chia sẻ, có thông tin tuyển dụng từ bạn bè hoặc tự tìm thấy thông tin trên các trang web về tuyển dụng. Thậm chí nếu được người đang làm trong doanh nghiệp giới thiệu thì bạn đừng ngần ngại chia sẻ điều này. Bởi thông tin này giúp bạn có thêm cảm tình từ nhà tuyển dụng đồng thời cũng gợi mở cơ hội để họ có thể tìm hiểu thêm về bạn thông qua nhân sự của công ty.
Why do you want this position? (Tại sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này?)
Với câu hỏi này, bạn nên liên kết công việc với công ty ứng tuyển. Bạn có thể chia sẻ, vì muốn học thêm về công việc này. Bởi theo như những gì bạn đã tìm hiểu thì đây là lĩnh vực thế mạnh của công ty.
Ngoài ra, nên tiếp tục nhấn mạnh, bạn đã sẵn sàng đóng góp cho công ty nhờ đã từng có nhiều kinh nghiệm. Bạn sẽ thuyết phục được người phỏng vấn bằng cách nhắc lại việc bạn đã từng giúp công ty cũ đạt được thành tích cụ thể và muốn chinh phục thành tích mới tại doanh nghiệp của họ.
Những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn bằng tiếng Anh. (Ảnh minh họa)
What experience/skill do you have? (Bạn có kinh nghiệm/kỹ năng nào?)
Nếu ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, thường bạn sẽ gặp câu hỏi: “Can you tell me about your sales experience?” và “What skills do you have?”.
Ở những câu hỏi khá rõ ràng như thế này, việc bạn trả lời không quá khó. Tuy nhiên, nhiều ứng viên dễ mắc sai lầm khi quá sa đà vào việc kể kinh nghiệm hay liệt kê kỹ năng.
Thay vào đó, bạn cần chắt lọc những kinh nghiệm tiêu biểu nhất, kỹ năng phù hợp nhất và chắc chắn nó phải liên quan tới công việc đang ứng tuyển.
Can you tell me about your strengths/ weaknesses? (Hãy chia sẻ về điểm mạnh/điểm yếu của bạn?)
Câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu cũng khá phổ biến trong buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh.
Điểm bạn cần lưu ý ở nội dung này là trả lời làm sao để nhà tuyển dụng ấn tượng với điểm mạnh của bạn. Ở phần điểm yếu, bạn hãy nhớ thêm phần giải pháp khắc phục. Điểm này cho thấy, bạn ý thức rõ về bản thân đồng thời luôn là người tích cực, luôn có ý thức sửa chữa về khuyết điểm. Nếu làm được điều này, rõ ràng bạn đã biến nhược điểm thành ưu điểm.
Why do you quit the last job? (Tại sao bạn nghỉ làm chỗ cũ?)
Đây là câu hỏi khá nhạy cảm và bạn cần có cách trả lời khéo léo. Bạn nên hướng tới lý do khách quan hơn là chủ quan. Đặc biệt không nên nói về những mâu thuẫn với sếp cũ, công ty cũ. Bởi điều đó khiến người phỏng vấn có cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn.
Câu trả lời có thể là “Because to my house is to far away”. Tuy nhiên, câu trả lời khiến bạn được đánh giá cao thì nên là vì bạn muốn có thêm cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, muốn chinh phục thành tích mới...
How much salary do you expect? (Bạn muốn mức lương như thế nào?)
Đừng trả lời bằng câu “I don’t know”, bởi nó khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn không đánh giá được giá trị bản thân.
Do đó, khi gặp câu hỏi “How much salary do you expect?” bạn đừng ngại đưa ra mức lương mong muốn. Tuy nhiên, để đưa mức lương phù hợp, bạn nên hỏi mức lương trung bình mà công ty đã trả cho người cũ, dựa vào đó và mức lương trung bình trên thị trường cho công việc mà bạn có thể đưa ra con số phù hợp.
Trên đây là một số câu hỏi phổ biến trong phỏng vấn tiếng Anh thường gặp. Để tăng cơ hội chiến thắng trong buổi phỏng vấn này, bạn nên chuẩn bị trước. Sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp bạn có cơ hội thuyết phục nhà tuyển dụng thành công.