Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

7 cách phòng ngừa đột quỵ từ sớm

(VTC News) -

Đột quỵ là bệnh lý cấp tính và có khả năng gây tử vong cao, vì vậy mà cách phòng ngừa đột quỵ từ sớm vô cùng quan trọng.

Đột quỵ là gì?

Báo Thanh Niên dẫn lời TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể. Khi ấy não bộ rơi vào tình trạng thiếu oxy và không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ chết dần.

Mỗi phần não chúng ta đều đảm nhận một chức năng nhất định như chức năng vận động, cảm giác, thị giác, thính giác... Khi xảy ra đột quỵ, phần não bị hư hại không thể đảm nhận chức năng ban đầu, do đó dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù hoàn toàn, mất ngôn ngữ, hôn mê.

Đột quỵ được đánh giá là "căn bệnh tử thần thời đại 4.0" vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên ở một số nhóm đối tượng với nguy cơ tiềm ẩn khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

Hiện có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm: Nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ,...) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gene di truyền). Trong đó, rung nhĩ là yếu tố nguy cơ quan trọng có thể làm tăng khả năng đột quỵ lên gấp 5 lần.

Vì sao cần thực hiện các cách phòng chống đột quỵ?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, đột quỵ có thể xảy ra đột ngột với bất cứ ai. Đột quỵ thường để lại nhiều di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống như suy giảm trí nhớ, liệt nửa người hoặc toàn thân. Thậm chí, trong một vài trường hợp, đột quỵ có thể gây tử vong đối với người bệnh.

Vì vậy, việc thực hiện các cách phòng chống đột quỵ là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh bạn.

7 cách phòng ngừa đột quỵ từ sớm bạn nên biết

Theo khuyến cáo của chuyên gia, để phòng chống đột quỵ, bạn có thể tham khảo các giải pháp dưới đây:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh là cách phòng chống đột quỵ mà bạn có thể thực hiện mỗi ngày. Các vấn đề bạn cần lưu ý gồm có:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo cân bằng hàm lượng với các nhóm chất là protein, chất béo, tinh bột, khoáng chất và vitamin.

Không sử dụng lượng quá nhiều trong một lần ăn, hoặc ăn quá ít trong một ngày. Bạn cũng có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày để giảm các áp lực lên dạ dày và hệ thống tiêu hóa.

Ưu tiên sử dụng các loại rau củ, hoa quả tươi sạch để bổ sung dưỡng chất tốt cho hệ thống mạch máu của cơ thể và tăng cường quá trình lưu thông máu.

Sử dụng cá chứa nhiều omega-3 và các chất béo không no nhằm giảm thành phần cholesterol xấu trong máu, giảm xơ vữa mạch hay quá trình hình thành các cục máu đông.

Đặc biệt, người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, thiếu máu lên não,... nên xây dựng một chế độ ăn uống riêng với sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa.

Tập thể dục, thể thao

Một cách phòng chống đột quỵ khác mà bất cứ độ tuổi nào cũng có thể thực hiện được chính là tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày. Giải pháp này đem lại đến nhiều lợi ích cụ thể như giảm lo lắng, căng thẳng, tăng lưu thông máu, cải thiện sức đề kháng của cơ thể.... Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp bạn phòng chống đột ngụy hiệu quả.

Tùy theo sở thích cá nhân, thể trạng cơ thể mà bạn có thể lựa chọn các bài tập thể dục khác nhau. Tuy nhiên, không nên tập quá sức, tối thiểu nên tập từ 4 – 5 buổi/tuần và mỗi lần tập từ 20 – 30 phút.

Người cao tuổi có thể tập luyện với các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền, dưỡng sinh hoặc đi bộ. Trái lại, người trẻ có thể tập với các bài tập cần nhiều năng lượng hơn như tập gym, khiêu vũ, chạy bộ, chơi bóng rổ...

Thường xuyên tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh là những cách phòng ngừa bệnh đột quỵ hiệu quả.

Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái

Tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài là một trong những tác nhân khiến đột quỵ có thể xảy ra. Ví dụ như người bị stress thường có xu hướng hút thuốc, sử dụng rượu bia, thức khuya. Điều này khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, máu lưu thông kém và gây ra đột quỵ.

Vì vậy, để ngăn ngừa đột quỵ, bạn cần duy trì một tinh thần, lối sống thoải mái trong cuộc sống. Hạn chế việc lo âu, căng thẳng trong thời gian dài.

Điều trị các bệnh lý mạn tính

Các bệnh lý liên quan như tiểu đường, cao huyết áp, máu nhiễm mỡ là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ đối với người bệnh. Do đó, để phòng chống đột quỵ, bạn cần thực hiện điều trị và cải thiện tình trạng bệnh lý của mình.

Giữ ấm cho cơ thể

Theo kết quả thống kê, đột quỵ xu hướng gia tăng nhiều hơn vào mùa lạnh, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Nguyên nhân là do khi thời tiết trở lạnh, hormone catecholamine trong cơ thể được tiết ra nhiều hơn khiến người bệnh dễ gặp tình trạng cao huyết áp và gây đột quỵ.

Như vậy, cách phòng chống đột quỵ khác mà bạn có thể áp dụng chính là giữ ấm cho cơ thể, tránh tắm quá muộn, không tắm bằng nước lạnh và uống nước ấm mỗi ngày.

Không hút thuốc lá và sử dụng rượu bia

Liên tục sử dụng rượu bia hay hút thuốc lá có thể gây đột quỵ đối với người sử dụng. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn so với người không có thói quen này.

Như vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bạn nên hạn chế hoặc tìm cách từ bỏ thuốc lá, rượu bia trong cuộc sống của mình.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Các cơn đột quỵ thường xảy ra bất ngờ và thậm chí bạn không thể nhận ra các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Vì vậy, một giải pháp hiệu quả trong phòng chống lại đột quỵ chính là chủ động thực hiện các thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Trên đây là thông tin về bệnh đột quỵ và 7 cách phòng ngừa đột quỵ từ sớm. Đột quỵ là rất nguy hiểm khi không được phát hiện và xử lý kịp thời. Do đó, để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của đột quỵ, bạn cần xây dựng cho mình những biện pháp phòng chống, ngăn ngừa phù hợp.

Hạ An (Tổng hợp)

Tin mới