Chuẩn bị sắm Tết sớm
Ai cũng biết mỗi dịp cuối năm, hàng loạt các cửa hàng đều thi nhau giảm giá. Tuy nhiên, chỉ cần sát Tết là đồng loạt mọi thứ tăng giá đột ngột do nhu cầu mua của các gia đình. Chính vì thế, để có thể chu toàn đồ ăn, thức uống trong dịp Tết, chị em nên tính toán mua sắm trước khi vật giá leo thang.
Tất cả đồ thực phẩm bánh mứt kẹo, đồ nấu cỗ chị em đều có thể tham khảo mua trước để không rơi vào trạng thái cập rập ngày Tết. Lưu ý xem hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt nhất.
Đến cửa hàng mua sắm, hãy tìm mua đúng theo danh sách để tránh lạm chi. (Ảnh minh họa)
Lên kế hoạch, danh sách mua sắm
Tết là dịp để sum họp gia đình. Nhiều người có tâm lý đó nên khi mua sắm cho dịp này hay rơi vào tình trạng "vung tay quá trán". Kết quả là tiêu xong khoản này lại thiếu tiền cho các dự định khác.
Để tránh rơi vào tình trạng trên, cần hoạch định chi tiêu rõ ràng. Tốt nhất bạn cần có danh sách các đồ sẽ phải mua dịp Tết, cùng số lượng tiền bạn có thể bỏ ra cho nó. Đến cửa hàng mua sắm, hãy tìm mua đúng theo danh sách, nếu không có sản phẩm bạn cần, hãy mua những món thay thế nhưng với giá thành gần bằng để tránh lạm chi.
Tham khảo và so sánh giá
Để có danh sách các món đồ cần mua trong khoảng chi tiêu hợp lý, đừng ngại lên mạng tìm kiếm và so sánh giá cả. Việc làm này dù hơi mất thời gian nhưng rất hiệu quả để có thể tiết kiệm một khoản chi tiêu cho Tết. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể hỏi và chia sẻ với bạn bè về những món đồ muốn mua, từ thực phẩm cho đến các đồ trang trí trong nhà ngày Tết.
Chị em cũng không nên mua hàng thời điểm quá cận Tết và khi vội vã bởi điều này cũng có thể dẫn đến việc mua bán ngoài tầm kiểm soát.
Phiếu giảm giá, săn đồ khuyến mại
Các chương trình khuyến mại, giảm giá hấp hẫn cho các mặt hàng ngày Tết cũng là điểm đáng lưu tâm để tiết kiệm cho bà nội trợ. Bắt kịp nhu cầu mua sắm của chị em, hầu hết tất cả các cửa hàng đều giảm giá các sản phẩm cuối năm để tiết kiệm tối đa chi phí cho các món đồ cần thiết.
Điều lưu ý duy nhất cho chị em là đừng vì rẻ quá mà ham mua nhiều. Cần xem xét kỹ chất lượng sản phẩm, giá trị sử dụng có lâu không, có thực sự cần thiết không và bám sát vào danh sách đã dự định mua trước để tránh chi tiêu quá đà vào nhiều món đồ tưởng rẻ nhưng khi cộng vào lại khiến bạn mất một khoản chi tiêu không cần thiết.
Tái sử dụng đồ cũ
Huy động trí tưởng tượng, sáng tạo của mọi thành viên trong gia đình, biến những đồ cũ không dùng đến như hộp bìa các tông, những ấm trà, chiếc cốc, ly thủy tinh cũ thành những chiếc lọ cắm hoa, những chiếc hộp đựng đồ mới; tái sử dụng những đồ trang trí cây đào, mai, quất; câu đối... Như thế vừa tiết kiệm lại vừa tạo được sự mới mẻ, độc đáo.
Đừng ngần ngại làm việc này, dù tốn công sức nhưng tạo không khí gắn kết trong gia đình. Đặc biệt, giúp bà nội trợ giảm một khoản chi phí đáng kể trong ngày Tết.
Đề cao tinh thần home-made
Đừng ỷ lại việc bạn hoàn toàn có thể mua mọi thứ. Những món kẹo bánh, đồ trang trí do chính tay mình làm ra cũng tạo nên những nét mới cho ngày Tết, góp phần làm giảm đáng kể chi tiêu.
Bánh chưng, giò xào, giò lụa, mứt, dưa hành muối,... đều là những thực phẩm ăn Tết mà bạn có thể làm ở nhà. Nếu có thời gian, điều kiện, bạn nên tự tay làm những món ăn đó thay vì mua ngoài quán, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa tốn kém.