Mỗi năm, cứ đến tháng Chạp âm lịch là anh Liệu ở Tòa B, chung cư Mỹ Đình, Cầu Giấy (Hà Nội) lại tìm về làng Đắc Sở (Hoài Đức) để vào nhà vườn đặt mua phật thủ bán lẻ dịp Tết Nguyên đán.
Anh Liệu cho biết, thường ngày anh làm nghề sửa chữa xe máy, công việc cũng cho thu nhập khá. Còn vợ anh bán thực phẩm online. Bởi thế ngày giáp Tết, vợ chồng anh thường tìm thêm một vài nguồn hàng để bán.
“Những năm trước, vợ tôi hay bán thêm các loại hoa như hoa ly, hoa dơn, thược dược,... Nhưng bán hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên có năm thắng lớn, có năm lỗ nặng. 3 năm trở lại đây, biết mối mua phật thủ tại các nhà vườn ở Đắc Sở nên cứ trước Tết khoảng 1 tháng, vợ chồng tôi lại làm một chuyến về đây để tìm nhà vườn đặt mua. Vì kinh doanh nhỏ nên chúng tôi chỉ thu mua phật thủ với số vốn khoảng 50 triệu đồng”, anh Liệu chia sẻ.
Vợ chồng anh Liệu đặt mua phật thủ theo trái.
Khi đến vườn phật thủ, những tiểu thương như anh Liệu có thể mua bán theo cân, theo số quả hoặc mua cả vườn. “Nếu có số vốn lớn khoảng mấy trăm triệu, có thể mua cả vườn phật thủ. Tuy nhiên, vợ chồng tôi làm ăn nhỏ, lại không thuê được ai trông vườn 24/24 nên tôi sợ không đảm bảo chất lượng và lo bị thất thoát. Chưa kể, nếu mua cả vườn với số lượng quá lớn lo Tết không bán được hết”.
Do đó, vợ chồng anh Liệu chọn hình thức mua theo trái. Anh chị thường chọn mua những trái phật thủ nặng từ 3-5 lạng, giá 50.000 đồng/quả.
Tất nhiên, đây phải là những quả phật thủ có hình dáng đẹp, có lớp vỏ tươi, căng bóng, các ngón tay to, dài và đều. Anh chị lấy cả hai loại phật thủ: loại có ngón tay tỏa ra vươn dài (phát tài, phát lộc) và ngón tay đều, khép kín, hơi cúp (tượng trưng bàn tay chắp ngón cầu nguyện) để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng dịp cuối năm.
Người đàn ông này cho hay: “Năm nào, chúng tôi cũng bỏ ra khoảng 50 triệu mua khoảng 500 quả phật thủ như vậy mang về chung cư và các chợ ở Hà Nội bán lẻ dịp Tết. Những quả nhỏ hơn chúng tôi không lấy vì sợ khó bán. Những quả nặng từ 0,8-1kg thì giá cao gấp 3-4 lần nên vợ chồng tôi cũng không có nhiều tiền để đầu tư. Hơn nữa xác định phục vụ dân chung cư nơi tôi ở là chủ yếu nên chỉ cần mua loại vừa phải, giá bình dân là được”.
Thông thường, mỗi trái phật thủ nặng từ 0,3-0,5 kg, giá bán Tết trung bình 100.000-150.000 đồng/quả.
Thường thì sau khi đặt cọc tiền với nhà vườn, cứ khoảng 20 Tết vợ chồng anh Liệu xuống vườn bắt đầu thu hoạch phật thủ về bán.
“Mỗi lần xuống vườn thu hoạch, vợ chồng tôi cắt khoảng 100 quả về bán lẻ dần. Hầu hết mọi người trong khu chung cư đều tin tưởng đặt mua phật thủ của vợ chồng tôi vì ở đây đều là khách quen của vợ tôi. Ngoài ra bà ấy còn đăng lên các hội nhóm bán hàng online. Riêng tôi sẽ chở đi bán ở một vài chợ tại Hà Nội. Cứ khoảng 1-2 ngày bán hết 100 quả, chúng tôi lại về vườn cắt cho tươi”, anh Liệu nói.
Theo anh Liệu, thời điểm bán Phật thủ chạy nhất là từ ngày ông Công ông Táo đến 30 Tết. Năm nào cũng vậy, chỉ trong 7-10 ngày là vợ chồng anh bán hết 500 quả phật thủ. Giá bán mỗi quả thường từ 100.000-150.000 đồng tùy mẫu mã và cân nặng.
“Một tháng sau khi đặt cọc mua, phật thủ vẫn được nhà vườn chăm sóc nên quả còn lớn. Có những quả khi cân được 6-7 lạng. Những quả phật thủ to đẹp, vợ chồng tôi bán được giá hơn, có quả lên tới 400.000-500.000 đồng. Trung bình, giá phật thủ là 100.000-150.000 đồng/quả. Riêng những quả tồn, xấu, vợ chồng tôi bán từ 50.000-70.000 đồng/quả để thu hồi vốn và thanh lý hết để kịp nghỉ Tết”, anh Liệu nói.
Nhờ đó, năm nào vợ chồng anh Liệu cũng thu lãi khoảng 50-70 triệu đồng, sau 10 ngày bán hàng vất vả.
Theo anh Liệu, bán phật thủ thích và nhàn nhất vì không lo bị chín nhanh hay bị hỏng. Chưa kể, khách hỏi mua rất nhiều. Hầu như gia đình nào cũng mua một vài quả về thắp hương bàn thờ gia tiên và thần tài ngày Tết. Do đó, chỉ cần người bán chọn được những quả căng bóng già, dày và các múi dài. Nói chung càng chọn được phật thủ nhiều ngón càng đẹp và dễ bán.