Chưa đến Tết Nguyên đán nhưng phần lớn phật thủ được trồng trên đất Đắc sở và Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đều đã chín vàng, quả có mã nhỏ.
Mặc dù hầu hết các vườn phật thủ tại hai xã Yên Sở, Đắc Sở đều đã được cái lái buôn mua từ đầu tháng Chạp song các chủ vườn không giấu nổi vẻ thất vọng khi nói về vụ phật thủ Tết năm nay.
Chị Thoa, người dân trồng phật thủ ở Đắc Sở, cho biết năm nay mưa lớn kéo dài kèm theo tình trạng sương muối, giá rét khiến cho sản lượng phật thủ giảm mạnh.
Mã quả năm nay cũng có phần nhỏ hơn so với mọi năm. Nếu như vụ Tết năm trước, vườn phật thủ nhà chị Thoa có quả được mua với giá 7 triệu đồng thì năm nay, cả vườn chỉ có 3 quả đạt giá bán cao nhất là 1,5 triệu đồng. Cũng theo chị, vụ Tết năm trước, vườn phật thủ rộng 1,3 mẫu của gia đình cho thu nhập 250 triệu đồng nhưng năm nay chỉ thu về hơn 100 triệu.
Cạnh vườn nhà chị Thoa là khu vườn trồng phật thủ rộng 1 mẫu của gia đình anh Thiết. Năm ngoái, vườn phật thủ nhà anh thu hoạch được 8.000 quả với mức giá bán ra là 350 triệu đồng nhưng năm nay chỉ thu được khoảng 5.000 quả, tương ứng với khoảng 180 triệu đồng.
Theo anh Thiết, năm nay, phật thủ mất mùa một phần do mưa kéo dài vào tháng 6-7 khiến nhiều cây bị chết nhiều. Ngoài ra, những vườn phật thủ ở Đắc Sở đều đã già nên sản lượng và chất lượng quả không thể bằng mọi năm.
Vòng đời của cây phật thủ rất ngắn, chỉ kéo dài từ 5 đến 6 năm. Phật thủ cho quả có chất lượng cao nhất vào 2 năm đầu, những năm sau đó cây sẽ yếu dần và sản lượng quả cũng giảm xuống. Vườn của anh Thiết và các hộ dân xung quanh đều đã trồng được 4-5 năm nên sản lượng phật thủ giảm là điều không thể tránh khỏi.
Ngoài ra, 2017 là năm nhuận, có 2 tháng 6 nên đến thời điểm này phật thủ tại hầu hết các vườn đều đã chín vàng. Theo chia sẻ của các chủ vườn, người mua có xu hướng thích mã quả vàng chanh, vừa đẹp mắt vừa trưng được lâu. Điều này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn thu của các chủ vườn bị giảm đáng kể.
Nếu như các vụ Tết năm trước, nhiều quả phật thủ có mã đẹp nổi bật được khách “săn lùng”, tìm mua với mức giá cao, có khi lên đến cả chục triệu đồng thì năm nay, toàn xã Đắc Sở chưa ghi nhận trường hợp tương tự nào. Được xem như vườn cho năng suất tốt nhất trên địa bàn Đắc Sở nhưng tại vườn anh Thiết, quả phật thủ đẹp nhất cũng chỉ được định giá khoảng 1,8-2 triệu đồng.
“Chưa bao giờ phật thủ mã đẹp hiếm như năm nay”, anh Thiết nói.
Cũng không thoát khỏi tình trạng thất thu, vườn phật thủ của ông Nguyễn Chí Lan còn ghi nhận mức thu hoạch giảm sâu nhất từ trước đến nay. Nếu như khu vườn 1 mẫu của ông đều cho nguồn thu 500 triệu trong các vụ tết trước thì đến năm nay, mức thu chỉ còn hơn 100 triệu đồng.
Để vớt vát, vợ chồng ông Lan đầu tư chiết, ghép các mẫu cây phật thủ làm cảnh. Việc làm này cho mức thu nhập khá cao, trung bình khoảng 1-2 triệu đồng/cây.
Trước thông tin phật thủ mất mùa, một số người cho rằng giá loại quả chưng Tết này có khả năng tăng trong dịp Tết năm nay.
Tuy nhiên, người dân tại Đắc Sở đa số đều phủ nhận. Dù sản lượng phật thủ năm nay có mạnh giảm so với năm trước, giá bán vẫn giữ ở mức ổn định. Ông Nguyễn Chí Lan nói phật thủ mẫu mã tốt vẫn có giá dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng, các mã quả bình thường chủ yếu giữ ở mức dưới 100.000 đồng/quả.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch hội nông dân xã Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội, cho biết sản lượng phật thủ tại địa phương năm nay giảm chủ yếu xuất phát từ vòng đời của giống cây này. Trên địa bàn xã, các vườn phật thủ đều đã có tuổi đời 3-6 năm, các chủ vườn sử dụng các biệp pháp ép ra quả trong suốt các vụ Tết trước nên đến năm nay, cây yếu, không thể cho sản lượng tốt.
Vị này cũng cho hay: “Nếu nói mất mùa vì thời tiết thì không chính xác lắm, tuy nhiên điều dễ thấy nhất là mẫu phật thủ năm nay không còn đẹp như trước, tại các vườn, phật thủ đa số đã chín vàng từ đầu tháng 12”.
Video: Thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng phật thủ
“Chúng tôi khuyến khích người dân trồng phật thủ nhưng không khuyến khích việc mở rộng diện tích trồng ồ ạt như hiện nay.
Điều cần chú trọng để phát triển thương hiệu phật thủ Đắc Sở là nâng cao chất lượng cũng như hình thức. Tình trạng mở rộng quy mô như hiện nay có thể dẫn đến bão hoà trên thị trường”, ông Đính nói thêm.
Được quảng cáo là loại rau tiến vua, cải mầm đá, đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Sa Pa (Lào Cai) khiến chị em Hà thành tranh nhau mua với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg.