Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

5 việc giúp ổn định huyết áp, phòng ngừa căn bệnh 'sát thủ' số một của sức khỏe

(VTC News) -

Việc kiểm soát huyết áp ở mức ổn định thường là một cuộc chiến lâu dài, đây chính là công thức giúp bạn luôn duy trì được mức huyết áp ổn định.

Vì sao nói bệnh tim mạch là "sát thủ số một" của sức khỏe?

Bệnh tim mạch được coi là “sát nhân số một” với sức khỏe bởi có số người tử vong cao nhất. Một trong những nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch chính là cao huyết áp.

Cao huyết áp là một bệnh mãn tính rất phổ biến. Trên thế giới, cứ 4 người trưởng thành thì có một bệnh nhân cao huyết áp. Bên cạnh đó, khoảng một nửa số ca tử vong do bệnh tim và đột quỵ có liên quan đến cao huyết áp. Vì vậy, việc chăm sóc trái tim cho bệnh nhân cao huyết áp là vô cùng quan trọng.

Để giảm thiểu các biến chứng do bệnh cao huyết áp gây ra như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp, bệnh thận,... cũng như giảm nguy cơ tử vong, bệnh nhân cao huyết áp cần chủ động kiểm soát mức huyết áp của mình.

Điều này đòi hỏi người bệnh phải sử dụng thuốc hợp lý và duy trì lối sống lành mạnh.

Về việc dùng thuốc, bệnh nhân cao huyết áp cần tuân theo lời dặn dò của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng, không tự ý giảm hoặc ngưng dùng thuốc.

Ngoài ra, bệnh nhân cao huyết áp cũng cần có một lối sống lành mạnh.

 

1, Ăn uống lành mạnh

Việc lựa chọn chế độ ăn uống hàng ngày ảnh hưởng lớn đến tình trạng thể chất của mỗi người. Đối với bệnh nhân cao huyết áp, ngoài đảm bảo ăn đủ rau và quả tươi, hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ, thì cũng nên giảm lượng muối ăn vào hàng ngày.

Giảm lượng muối nạp vào cơ thể rất hiệu quả trong việc ổn định huyết áp. Theo chương trình "Hành động vì sức khỏe Trung Quốc (2019-2030)", lượng muối ăn hàng ngày của người trưởng thành không nên vượt quá 5 gam.

Ngoài muối ăn, các loại gia vị khác như nước tương, bột ngọt, dấm… đều chứa một lượng muối nhất định. Nếu sử dụng các loại gia vị này thì khi nấu ăn bạn nên cho ít muối hơn. Bên cạnh đó, một số thực phẩm như dưa chua, đậu lên men, sò ốc cũng có hàm lượng muối tương đối cao, vì thế bệnh nhân cao huyết áp cần thận trọng trong việc ăn uống.

2, Kiểm soát cân nặng 

Đối với những người thừa cân, cần giảm cân và kiểm soát cân nặng trong ngưỡng cho phép. Việc bạn có thừa cân hay không có thể được đánh giá qua chỉ số khối cơ thể (BMI) và vòng eo.

Chúng ta tính toán chỉ số khối cơ thể dựa theo số liệu chiều cao và cân nặng. Phương pháp tính là BMI (kg / m²) = cân nặng (kg) / bình phương chiều cao (m²).

Chỉ số BMI của bệnh nhân cao huyết áp nên duy trì trong khoảng 18,5-24 kg / m². Ngoài chỉ số khối cơ thể, bạn cũng cần chú ý đến kích thước của vòng eo. Vòng eo của nam giới nên dưới 90 cm và vòng eo của phụ nữ nên dưới 85 cm.

(Ảnh minh họa)

3, Tích cực tập thể dục

Hoạt động thể chất tích cực là một phần quan trọng trong lối sống lành mạnh, giúp ổn định huyết áp và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hoạt động thể chất cũng giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch như bệnh tim, đột quỵ,... ngoài ra còn giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện tâm trạng.

Bệnh nhân cao huyết áp nên tập các môn thể dục có cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ, khiêu vũ,... Tập khoảng 5 lần một tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút. Bạn cũng có thể tranh thủ thực hiện các bài vận động khác như leo cầu thang, đi bộ, đi xe đạp thay vì đi thang máy hay lái xe.

Nên tập thể dục vào buổi chiều hoặc tối, chọn nơi an toàn, mặc quần áo, đi giày dép phù hợp, giữ ấm. Không tập khi bụng đói để ngăn ngừa hạ đường huyết. Nếu bạn bị ốm hoặc cảm thấy không thoải mái khi tập luyện, bạn nên ngừng tập ngay lập tức.

4, Cai thuốc lá và hạn chế rượu bia

Hút thuốc lá và uống rượu bia đều có thể làm tăng huyết áp. Bỏ thuốc lá không chỉ giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp mà còn làm tăng hiệu quả của thuốc hạ huyết áp.

Vì vậy, bệnh nhân cao huyết áp nên bỏ thuốc lá. Đồng thời, chú ý tránh tiếp xúc với “khói thuốc”. Khói thuốc cũng là yếu tố gây bệnh tim mạch ở người không hút thuốc. Bệnh nhân cao huyết áp cũng nên hạn chế uống rượu bia hoặc kiêng rượu bia khi cần thiết.

5, Kiểm soát cảm xúc

Những cảm xúc tiêu cực như tức giận, sợ hãi, lo lắng, chán nản, phiền muộn,… có thể kích thích huyết áp tăng cao. Huyết áp của bệnh nhân cao huyết áp dễ thay đổi theo những dao động cảm xúc, vì vậy bệnh nhân cao huyết áp cần chú ý kiểm soát cảm xúc của mình.

Với bệnh nhân cao huyết áp, việc kiểm soát huyết áp ở mức ổn định thường là một cuộc chiến lâu dài. Mặc dù không thể hoàn toàn “đánh bại” bệnh cao huyết áp nhưng chúng ta có thể nỗ lực “kiểm soát” huyết áp của mình.

Do đó, bệnh nhân cao huyết áp cần chú ý duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu làm được cả hai, bạn có thể ổn định huyết áp, đảm bảo được sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Lan Hương (Nguồn: Sohu)

Tin mới