Khi ở cạnh nhau thường xuyên, giữa cha mẹ và con cái rất dễ nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị tách rời, có những trường hợp không thể nói chuyện cùng nhau trong thời gian dài. Để tránh được điều này, phụ huynh cần nắm bắt được những thời điểm nhạy cảm không nên mắng con.
Phụ huynh cần chọn thời điểm hợp lý để dạy con.
1. Khi đứng trước mặt người lạ
Nhiều phụ huynh thường có thói quen mắng con mình mọi lúc, mọi nơi và khó kiềm chế được cảm xúc khi đứng trước mặt người lạ. Thậm chí, có phụ huynh còn mắng con ngay trước mặt bạn bè, khiến trẻ cảm thấy bị mất mặt và dẫn đến nhiều tình huống không mong muốn xảy ra.
Tại Nhật Bản, khi trẻ phạm lỗi, họ sẽ không bao giờ lớn tiếng quát mắng, đặc biệt là trước mặt người lạ. Thay vào đó, người Nhật sẽ đưa con mình đến một góc khuất, nơi không có người qua lại để nói chuyện và làm rõ vấn đề xảy ra. Cách làm này giúp trẻ không cảm thấy bị tổn thương và giữ được lòng tự trọng cho riêng mình.
2. Thời điểm ăn cơm
Mắng con trong những bữa cơm gia đình là điều dễ nhận thấy ở nhiều gia đình châu Á và Việt Nam cũng không phải là quốc gia ngoại lệ. Khi được khảo sát, một số phụ huynh cho rằng, khi cả nhà quây quần ăn cơm, việc trách mắng con sẽ có tác dụng tốt hơn là chỉ có hai người đối diện với nhau.
Tuy nhiên, điều này rất dễ bị phản tác dụng và có thể xuất hiện tình trạng đối đầu giữa cha mẹ - con cái. Nếu bị mắng trong thời gian dài, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý và mất đi cảm giác thèm ăn. Các em sẽ không còn hứng thú với những bữa cơm gia đình đầm ấm mà thay vào đó là cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái thường xuất phát từ những bữa cơm gia đình.
3. Trước khi đi ngủ
Nếu gặp phải trở ngại tâm lý hoặc những chuyện không vui, giấc ngủ của trẻ rất dễ bị xáo trộn. Những đứa trẻ bị cha mẹ mắng trước khi ngủ luôn dành một khoảng thời gian dài để suy nghĩ về những lời nói đó, trong lòng cảm thấy bất an, khó chịu.
Thay vì trách mắng, chỉ trích trẻ, cha mẹ nên đọc truyện, kể chuyện để con dễ vào giấc và ngủ ngon hơn. Mọi chuyện hãy để lúc trời sáng và chọn thời điểm phù hợp cùng con ngồi xuống nói chuyện nhẹ nhàng.
4. Khi trẻ biết nhận lỗi
Nếu trẻ nhận thấy hành động mà mình làm là sai và biết chủ động nhận lỗi, phụ huynh nên cảm thông cũng như nhẹ nhàng nhắc nhở con không nên tái phạm trong lần tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có rất nhiều huynh nhân cơ hội con biết nhận lỗi để mắng con nhiều hơn.
Hành động này có thể kích động tâm lý trẻ, khiến trẻ nghĩ rằng nhận lỗi hay không đều không còn quan trọng, vì mọi cách làm đều sẽ bị chỉ trích, mắng mỏ.Cho nên, bạn cần khoan dung, tha thứ khi trẻ biết nhận lỗi và sửa lỗi.
5. Lúc trẻ đang có chuyện vui
Khi trẻ đang vui, việc bị cha mẹ mắng sẽ trở thành nỗi tổn thương và ám ảnh in sâu vào tâm trí, khó xóa bỏ. Nếu không thể khen ngợi, cha mẹ cũng không nên chỉ trích khi con đang vui vẻ. Mà hãy để cho con đón nhận niềm vui mà bạn ấy có được và nên lựa chọn thời gian phù hợp khác dạy dỗ trẻ sau.
Nguyên nhân dẫn đến điều này một phần là do phụ huynh không biết cách khống chế cảm xúc của mình. Khiến trẻ luôn nghĩ rằng, bạn không yêu thương và hiểu con nên mới làm những hành động như vậy.