Bộ chỉ huy của Mỹ tại châu Âu (EUCOM) cho biết tnguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được điều tra, nhưng không có dấu hiệu vụ máy bay rơi do tác động từ các yếu tố, hoạt động thù địch.
Cơ quan này cũng bày tỏ lòng tiếc thương những binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ máy bay rơi. "Chúng tôi gửi những lời cầu nguyện tới gia đình những người đã thiệt mạng”, EUCOM cho hay.
Trực thăng tấn công MH-60R Seahawk do Lockheed Martin sản xuất.
Tên của những binh sĩ Mỹ thiệt mạng chưa được công bố.
Tờ New York Times dẫn nguồn cho biết, trực thăng quân sự MH-60 đã rơi ngoài khơi đảo Síp khi đang huấn luyện. Theo tờ này, các quân nhân thiệt mạng là thành viên của lực lượng hoạt động đặc biệt của quân đội Mỹ.
Trước đó, EUCOM cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng chiếc máy bay đang thực hiện chuyến bay huấn luyện vào tối 10/11 thì “gặp sự cố và rơi”.
Vụ máy bay quân sự Mỹ rơi ở biển Địa Trung Hải diễn ra trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas leo thang. Tờ New York Times cũng cho hay Mỹ đã cử các đơn vị thuộc lực lượng đặc nhiệm Delta Force và Seal sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ trong trường hợp họ cần giúp sơ tán công dân Mỹ khỏi khu vực.
Ngoài một số căn cứ không quân trong khu vực, quân đội Mỹ còn có nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford hoạt động ở phía đông Địa Trung Hải.
Nhóm tấn công thứ hai, do tàu USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu, cũng có mặt trong khu vực gần đấy nhưng sau đó đã đi qua kênh đào Suez đến Trung Đông để “ngăn chặn tốt hơn các hành động thù địch chống lại Israel hoặc bất kỳ nỗ lực nào nhằm mở rộng cuộc chiến này sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel”.
Năm ngoái, một chiếc F-18 Super Hornet thuộc nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman đã “nổ tung” do “thời tiết xấu bất ngờ” trong một nhiệm vụ tiếp tế ở Địa Trung Hải. Chiếc máy bay bị chìm ở độ sâu hàng nghìn mét dưới biển nhưng được trục vớt một tháng sau đó.