Phễu lọc của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) gồm dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ba quý liên tiếp không âm, tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản hai quý gần nhất không âm, vốn chủ sở hữu phải trên 35% tổng tài sản, tổng nợ vay không vượt quá 150% vốn chủ sở hữu. Các điều kiện này được xem xét kết hợp trên báo cáo tài chính 6 quý gần nhất, tính đến ngày 7/8.
Nhóm phân tích loại trừ doanh nghiệp ngành bảo hiểm và ngân hàng vì đặc thù báo cáo tài chính. Các doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu từ năm 2017 đến hết quý II năm nay hoặc không đầy đủ thông số đầu vào cũng không thuộc diện xem xét.
"Các điều kiện trong bộ lọc này không quá chặt chẽ, bởi theo chúng tôi dịch bệnh đã phần nào tác động lên kết quả kinh doanh hai quý đầu năm của các doanh nghiệp", nhóm phân tích lưu ý. Đồng thời, nhóm cũng khuyến nghị các cổ phiếu được chọn sau phễu lọc này cần được đánh giá chuyên sâu trước khi ra quyết định đầu tư.
GIL – Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh
Hai đối tác lớn nhất là Amazon và IKEA đều có tài chính mạnh, hoạt động kinh doanh ổn định nên giúp công ty ít chịu áp lực đơn hàng trong năm nay so với các doanh nghiệp dệt may cùng ngành.
Doanh thu và lãi ròng năm ước tính đạt 3.380 tỷ đồng và 213 tỷ đồng, tăng khoảng 33% so với năm trước. Cổ tức bằng tiền năm nay dự kiến 15-30%, tương ứng cổ tức trên thị giá cổ phiếu lên đến 7-13%.
VSC – Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam
Công ty đang hoạt động tại hai cảng lớn là Green ở thượng nguồn sông Cấm và VIP Green ở hạ nguồn. Khu vực Hải Phòng đang xảy ra tình trạng dư cung khi nhu cầu chỉ bằng khoảng 70% công suất. Cảng Lạch Huyện đang được triển khai với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng càng tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp thượng nguồn, trong khi doanh nghiệp hạ nguồn vẫn cạnh tranh được trong ngắn hạn nhờ vị trí giao thông thuận lợi.
Doanh thu và lãi ròng năm nay của công ty này ước đạt 1.752 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, lần lượt giảm khoảng 2% và 5% so với năm trước vì sản lượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là hàng hoá thông quan từ Trung Quốc.
DHC – Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre
Nguyên liệu chính của công ty là thùng carton cũ. Nguồn cung đầu vào tại Việt Nam chiếm khoảng 40%, còn lại nhập khẩu từ Mỹ, EU và Nhật Bản. Lượng tồn kho giá rẻ dần hết, trong khi giá nguyên liệu mới có thể tăng mạnh. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng, đây chỉ là vấn đề ngắn hạn bởi thị trường cung cấp sẽ sớm ổn định khi hoạt động sản xuất hồi phục trở lại sau dịch bệnh.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay của DHC dự báo đạt 2.147 tỷ đồng và 215 tỷ đồng, lần lượt tăng 50% và 18% so với năm trước. EPS dự phóng đạt 3.838 đồng, tương ứng P/E dự phóng cho năm nay ở mức 9,5 lần.
Nhà đầu tư giao dịch tại một công ty chứng khoán tại TP HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)
HSG – Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen
Hoa Sen là công ty đầu tiên phục hồi sau giai đoạn giá HRC tạo đỉnh vào nửa cuối năm 2018 nhờ lợi thế đại lý và cửa hàng phân phối khắp cả nước. Dự phóng biên lợi nhuận gộp năm nay đạt 15,5% nhờ thay đổi hệ thống quản trị và tích luỹ hàng tồn khi giá sản phẩm này giảm. Doanh thu nội địa năm nay và năm sau dự báo lần lượt là 16.000 tỷ đồng và 17.400 tỷ đồng.
Trong nửa cuối năm, công ty này dự kiến phát hành cho cổ đông chiến lược với mức giá không thấp hơn giá trị sổ sách. Nhóm phân tích cho rằng, giá hợp lý khi phát hành sẽ khoảng 16.800 đồng.
DGW – Công ty cổ phần Thế giới số
Dự báo doanh thu và lãi ròng năm nay của DGW lần lượt đạt 11.345 tỷ đồng và 236 tỷ đồng, tăng 34% và 45% so với năm trước. EPS dự phóng năm nay là 5.488 đồng, tương ứng P/E dự phóng ở mức 6,5 lần.
Mảng phân phối laptop của công ty này chiếm gần 59% thị phần tính theo giá trị, trong khi mảng điện thoại cũng đang có những bước tiến đáng kể nhờ phân khúc trung bình thấp. Việc thêm vào đối tác mới Unilever sẽ giúp mảng hàng tiêu dùng bứt phá, dù có thể chưa nhiều. Phần doanh thu mới đóng góp từ nhãn hàng Apple sẽ tăng trong nửa cuối năm nay trở đi.