Giấm trắng không chỉ giúp cân bằng độ pH của đất mà còn giúp tăng cường khả năng kháng bệnh, thúc đẩy sự phát triển của rễ cây. Chỉ cần pha giấm loãng với nước để tưới cây là chúng ta đã có một loại nước dưỡng an toàn.
Bên cạnh đó, một số loại hoa còn rất ưa giấm, chỉ cần mỗi tháng bạn tưới một chút nước giấm là có thể giúp cây kéo nụ, nở hoa nhanh hơn. Sau đây là một số loại cây rất thích hợp để tưới giấm trắng pha loãng:
Đỗ quyên là loại cây 'mê' giấm, thỉnh thoảng cho một chén là hoa nở rộ. (Ảnh: Getty)
Hoa đỗ quyên được nhiều người yêu thích vì màu sắc đẹp, lại mang ý nghĩa may mắn. Đỗ quyên thích hợp với môi trường đất hơi chua; do đó việc dùng giấm sẽ điều chỉnh độ pH của đất về mức phù hợp hơn cho sự phát triển của nó.
Bạn có thể tưới lên gốc đỗ quyên dung dịch giấm pha loãng (tỷ lệ 1:100) mỗi tháng một lần có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của rễ và làm cho hoa có nhiều màu sắc và căng mọng hơn. Cách này vừa cải thiện môi trường đất vừa ngăn ngừa hiện tượng kiềm hóa đất, đảm bảo cây đỗ quyên phát triển khỏe mạnh. Nếu kiên trì lâu dài, thời gian ra hoa của hoa đỗ quyên sẽ kéo dài hơn và hoa nở dày đặc hơn.
Hoa dành dành thơm, nở bền nên rất được ưa thích. (Ảnh Getty)
Dành dành được yêu thích bởi màu sắc trắng tinh khôi như bông tuyết và hương thơm rất tươi mát. Tương tự đỗ quyên, loài cây này thích đất chua nên bạn cần tưới giấm pha loãng mỗi tháng một lần để làm tăng độ chua của đất và giúp cây hấp thụ sắt tốt hơn, tránh bị vàng lá.
Nên pha loãng giấm theo tỷ lệ 1:200, tránh để nồng độ quá cao có thể làm hỏng rễ cây. Cây dành dành ưa môi trường ẩm ướt nhưng không chịu được úng nên khi tưới, bạn phải kiểm soát lượng nước để tránh đọng nước trong chậu. Nếu kiên trì dùng giấm và nước để điều chỉnh độ pH của đất thì lá cây dành dành sẽ xanh hơn và trở hoa to hơn, thơm hơn.
Màu sắc của cẩm tú cầu rất đa dạng phụ thuộc vào loại đất trồng. (Ảnh: Getty)
Màu sắc hoa cẩm tú cầu thay đổi theo độ pH của đất. Nếu bạn muốn hoa cẩm tú cầu có màu xanh rực rỡ, sử dụng giấm là một cách đơn giản và hiệu quả. Hàng tháng tưới cho cẩm tú cầu một cốc giấm pha loãng, bạn sẽ làm tăng tính axit của đất, giúp hoa có màu xanh đẹp mắt.
Tỷ lệ pha loãng giấm với nước là 1:100. Nồng độ quá cao có thể gây tổn hại cho hệ thống rễ của cẩm tú cầu. Cần tưới rải đều trên bề mặt đất và để nước thấm từ từ vào rễ cây. Ngoài việc dùng giấm và nước để điều chỉnh độ chua của đất, bạn còn có thể bổ sung muối nhôm để làm đậm thêm màu xanh của hoa cẩm tú cầu, giúp hoa nở dày hơn.
Cây hoa ông lão có rất nhiều màu sắc, thích hợp để leo cổng, ban công. (Ảnh: Getty)
Clematis hay cây ông lão là loại cây hoa leo có nguồn gốc Trung Quốc. Chúng được mệnh danh là “Nữ hoàng các loài hoa” vì chủng loại đa dạng và màu sắc hoa phong phú. Loại cây này cũng ưa đất chua nên nước giấm có tác động tích cực đến sự phát triển của chúng. Việc tưới một cốc giấm pha loãng mỗi tháng có thể cải thiện độ chua của đất và thúc đẩy sự phát triển, hình thành chồi khỏe mạnh của cây.
Tỷ lệ giấm phù hợp là 1:150, nếu cao hơn sẽ làm hỏng cây. Cây ông lão có nhu cầu nước cao nhưng không nên tưới quá nhiều để tránh thối rễ.
Nước giấm không chỉ giúp cây hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn mà còn ngăn lá chuyển sang màu vàng và duy trì sự khỏe mạnh của cây. Nếu kiên trì lâu dài, thời gian ra hoa của cây sẽ dài hơn và hoa nở đẹp hơn.
Đối với những người thích trồng hoa, phương pháp sử dụng giấm rất đơn giản mà mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bạn không được sử dụng giấm chứa muối vì sẽ khiến cây bị hỏng, héo úa nhanh chóng.