Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

32 năm mất ngủ vì ấm ức chuyện bị sếp mắng oan

(VTC News) -

Cụ ông 70 tuổi bị mất ngủ suốt 32 năm do ấm ức chuyện công việc thời trẻ.

Câu chuyện hy hữu bắt đầu từ hơn ba thập kỷ trước, khi ông Vương (70 tuổi, Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc) còn trẻ và đang làm việc tại một công ty. Một lần bị sếp khiển trách, ông giữ kín “nỗi hận” trong 32 năm. 

"Lẽ ra chuyện đó không liên quan đến tôi, vậy mà sếp lại xử lý cả tôi nữa. Vì chuyện này mà tôi cứ ấm ức mãi, sinh ra tâm bệnh, mất ngủ suốt 30 năm nay. Trí nhớ tôi cũng giảm sút nghiêm trọng", ông nói.

Suốt 32 năm qua, ông Vương hầu như không thể ngủ nếu không dùng thuốc. Ông đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng bệnh không cải thiện. Thậm chí, ông còn xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson, khiến ông ngày càng u uất.

Bác sĩ Ngưu Triều Dương, Trưởng khoa Xương khớp, Bệnh viện Trung y Hà Nam, cho biết ông Vương bị mất ngủ dẫn đến bệnh Parkinson, khiến tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng kém. Bác sĩ khuyên ông nên giữ tâm lý bình tĩnh, đặc biệt là tránh kích động trước khi đi ngủ. Cuối cùng, cụ ông Vương quyết định buông bỏ, thư giãn tinh thần và tích cực phối hợp điều trị với hy vọng sớm có được giấc ngủ ngon.

Ông Vương hầu như không thể ngủ trong suốt 32 năm qua nếu không dùng thuốc. (Ảnh: Yahoo News)

Sau khi trường hợp của ông Vương được chia sẻ, một cuộc tranh luận nổ ra. Nhiều dân mạng cho rằng ông Vương quá nhạy cảm. "Sếp thì chẳng mất gì, còn ông mất ngủ 32 năm, có đáng không?", một người bình luận. "Nếu cứ để bụng tất cả mọi chuyện thì hoặc là nghỉ việc, hoặc là tự hành hạ bản thân đến chết thôi", một người khác nhận xét. Cũng có người khuyên ông Vương nên "tranh thủ mắng sếp một trận cho hả giận, dù sao cũng đã nghỉ hưu rồi".

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng cảm với ông Vương và chia sẻ những kinh nghiệm đối phó với áp lực công việc.

Qua câu chuyện của ông Vương, có thể thấy, giấc ngủ ngon là nền tảng của sức khỏe, và việc mất ngủ kéo dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần.

Bệnh Parkinson là bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển, thường được chia thành năm giai đoạn. Giai đoạn đầu các triệu chứng thường nhẹ và ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, bệnh sẽ dần tiến triển khiến người bệnh mất khả năng vận động, cuối cùng có thể phải ngồi xe lăn và cần người chăm sóc. Khi nằm liệt giường, người bệnh dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường tiết niệu, loét da hoặc viêm phổi. Việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực là rất quan trọng để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Quốc Thái (Nguồn: Yahoo News)

Tin mới