Chị Lan Phương (37 tuổi, Long An) trải qua 3 lần sinh nở nên mất tự tin khi gần gũi chồng. Đầu năm 2023 chị đọc trên mạng thấy thông tin quảng cáo phẫu thuật chỉnh sửa thu hẹp vùng kín, nhanh gọn, an toàn và riêng tư nên đã đăng ký phẫu thuật.
Sau mổ vài ngày, chị gặp biến chứng sưng, rỉ dịch, quay lại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tái khám và được cho uống thuốc kháng sinh. Chị kiểm tra thấy vùng phẫu thuật có sẹo, cảm nhận bên trong khối cộm cứng. Từ đó, cách vài tháng chị lại bị sưng, ngứa do sẹo lồi.
Chị phản ánh lỗi chỉnh sửa này đến nơi làm thẩm mỹ thì nhận được câu trả lời nên chờ thêm thời gian để vùng phẫu thuật phục hồi độ co giãn. Họ cũng khuyên chị tăng cường bổ sung các thực phẩm chức năng giúp chuyện chăn gối dễ chịu hơn. Làm đủ cách nhưng không hiệu quả, chị stress đến mất ăn, mất ngủ, tự ti, tâm lý cáu kỉnh, hay khóc, giận trách chồng vô cớ. Chị đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị trầm cảm, rối loạn tâm lý.
Bác sĩ chỉnh sửa lại cho người bệnh phẫu thuật thẩm mỹ bị "lỗi". (Ảnh: BVCC)
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 3-5 trường hợp phụ nữ đến khám biến chứng sau can thiệp vùng kín. Trong đó có các biến chứng hay gặp như thủng trực tràng, bàng quang, niệu đạo, chảy máu không cầm, nhiễm trùng, bục chỉ khâu, viêm nhiễm, són tiểu, sẹo xấu ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tinh thần.
Trường hợp biến chứng nặng nhưng không đi khám, âm thầm chịu đựng sẽ dẫn đến stress, trầm cảm. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện vùng phẫu thuật chị Phương có sẹo lồi kích thước 2cm, còn nhiều chỉ thừa không tiêu mà cứng như sợi dây cước.
Theo bác sĩ, phẫu thuật thẩm mỹ vùng nhạy cảm được ưa chuộng tại nhiều quốc gia. Phụ nữ Việt Nam cũng cởi mở hơn trong việc đăng ký phẫu thuật này nhằm mang lại vẻ ngoài thẩm mỹ hơn. Xu hướng làm đẹp ngày càng tăng, đa dạng hình thức từ chỉnh sửa. Tuy nhiên, bất kỳ sự can thiệp phẫu thuật nào cũng có tỷ lệ biến chứng, nếu người phẫu thuật không được đào tạo, kinh nghiệm, phòng phẫu thuật không đảm bảo, gây tê không tốt tỷ lệ biến chứng tăng. Lúc này, phụ nữ đối mặt với sản phẩm không hoàn hảo, nguy cơ xuất huyết, ngộ độc thuốc tê, nhiễm trùng.
Chuyên gia dẫn nghiên cứu tại Saudi Arabia năm 2020 theo dõi 196 phụ nữ có phẫu thuật chỉnh sửa cơ quan sinh dục. Kết quả, 92% phụ nữ bình thường, 8% gặp phải các biến chứng như đau (2%), nhiễm trùng đường tiết niệu (5%) và vết thương chậm lành (1%).
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng khu vực TP.HCM mỗi năm có 250.000 người can thiệp thẩm mỹ. Trong đó 100.000 người ở độ tuổi 25-35 tuổi. Khi xảy ra biến chứng phụ nữ có tâm lý do sợ, âm thầm chịu đựng mà không chia sẻ với người thân. Từ đó, ảnh hưởng cuộc sống vợ chồng, stress, trầm cảm, chị em thường khám trễ vì lo sợ tốn kém khi đi khắc phục hậu quả.
Bác sĩ khuyên một số trường hợp chỉnh sửa bị lỗi cần đi khám với bác sĩ sớm để có thể khắc phục kịp thời, tìm hướng điều trị tránh tình trạng nặng thêm.
Phẫu thuật chỉnh sửa, làm đẹp là nhu cầu cá nhân, phụ nữ vẫn nên can thiệp nếu cảm thấy mất tự tin, ảnh hưởng quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo, chị em làm đẹp nên chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm, quá trình chỉnh sửa cần dùng phương pháp gây mê, tê an toàn, giảm đau tốt, phòng mổ vô khuẩn. Khi chỉnh sửa vùng kín nên gây mê để hạn chế tình trạng co thắt âm đạo có thể gây nhiều biến chứng khi mổ.