Cuối tháng 7/2023, hơn 300 giáo viên ở Hà Nội bức xúc gửi đơn kiến nghị lên Bộ GD&ĐT về quy định thăng hạng chức danh, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên phải đủ 9 năm có bằng đại học.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ sang hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học, trong đó có Hà Nội. "Đây là cách hiểu chưa đúng theo tinh thần của thông tư", vị này nói.
300 giáo viên Hà Nội bức xúc quy định thăng hạng chức danh. (Ảnh minh họa)
Theo quy định mới, điều kiện để giáo viên tiểu học, THCS hạng II cũ chuyển sang hạng II mới là "có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 09 (chín) năm trở lên, không kể thời gian tập sự".
"Bộ GD&ĐT không quy định điều kiện về trình độ phải có bằng đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng", đại diện Bộ khẳng định.
Như vậy, với 300 giáo viên THCS ở Hà Nội từng gửi đơn kiến nghị lên Bộ GD&ĐT nếu đang ở hạng III từ năm 2013 thì đến nay là đủ điều kiện để xét lên hạng II, điều kiền đã có bằng đại học.
Hiện lương giáo viên hạng III dao động 4,2-8,9 triệu đồng. Lương giáo viên hạng II từ 7,2 đến 11,5 triệu đồng/tháng.
Bỏ thi thăng hạng
Theo quy định của Bộ Nội vụ, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét.
Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.
Tuy nhiên, gần đây nhiều giáo viên kiến nghị bỏ thi thăng hạng chức danh do nhiều bất cập thực tiễn ngành Sư phạm. Do đó, Bộ GD&ĐT đã làm việc và thống nhất với Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Bộ GD&ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng.