Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

30 đại học có chỉ số nghiên cứu đứng đầu Việt Nam 2019

(VTC News) -

Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam UPM (University Performance Metrics) vừa công bố các chỉ số nghiên cứu khoa học của hơn 30 cơ sở giáo dục đại học cả nước sáng 2/1.

Theo đó, top 5 cơ sở giáo dục đại học có tên trong xếp hạng tổng thể chỉ số nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học 2019 gồm: Đại học Tôn Đức Thắng (top 1), Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Duy Tân và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Top 30 cơ sở giáo dục đại học có chỉ số nghiên cứu cao nhất Việt Nam 2019.

Các tiêu chí xếp hạng gồm: Tiêu chí 1 - Quy mô nghiên cứu - tổng số các bài báo tích hợp, được lọc trùng từ 2 cơ sở dữ liệu Web of Science và Scopus của các cơ sở giáo dục đại học xuất bản trong giai đoạn 2015-2019 với trọng số 45%.

Tiêu chí 2: Năng suất nghiên cứu - chỉ số bài báo trung bình trên giảng viên (và nghiên cứu viên) với trọng số 25%.

Tiêu chí 3: Chất lượng nghiên cứu – chỉ số trích dẫn trung bình thu thập được trong năm 2019 cho các bài báo xuất bản trong giai đoạn 2014-2015 với trọng số 25%.

Tiêu chí 4: Chỉ số công bố bằng nội lực – Tỷ lệ phần trăm các bài báo hoàn toàn của tác giả Việt Nam với trọng số 5%.

Theo nhóm nghiên cứu, UPM thực chất là một bảng xếp hạng theo hình thức gắn sao (star rating) áp dụng cho các đại học của Việt Nam. Các tiêu chí đánh giá được xây dựng khá rộng theo tiếp cận kiểm định chất lượng và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc điểm của UPM vừa quản lý cơ sở dữ liệu tổng thể của hệ thống, vừa cung cấp công cụ để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng để tự đo lường và đối sánh mức độ thích ứng với công nghiệp 4.0 và năng lực đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sang tạo với các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và châu lục; làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược đầu tư phát triển. 

Nhìn vào bảng xếp hạng đại học có thể thấy, dù có sự thay đổi về cách xếp hạng và cách đánh giá thì "top 5" cơ sở đại học về nghiên cứu của Việt Nam vẫn không thay đổi so với năm 2018, là Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Duy Tân.

 

 

 

 

So sánh với các bảng xếp hạng QS, THE hay ARWU, bảng xếp hạng UPM cũng có một số tiêu chí tương đồng. Tuy nhiên, họ chỉ xếp hạng cho các trường công bố trên 150 bài báo mỗi năm.

Đối chiếu với bảng xếp hạng QS, mức chuẩn trung bình về số lượng bài báo trên giảng viên là 5 bài/5 năm và chỉ số trích dẫn là 4,5 lần/bài thì Đại học Tôn Đức Thắng đạt chuẩn về năng suất nghiên cứu.

Ở phần đánh giá tiêu chí tổng số các bài báo tích hợp, nhóm sử dụng dữ liệu từ cả 2 cơ sở dữ liệu là Web of Science và Scopus.

Sở dĩ bảng xếp hạng UPM sử dụng tích hợp các dữ liệu này thay vì chỉ chọn cơ sở dữ liệu Scopus (cơ sở dữ liệu lớn và phong phú hơn) như các bảng xếp hạng QS và THE, bởi nếu chỉ thống kê riêng sẽ bỏ sót bài báo. Việc tích hợp này giúp thống kê đầy đủ số lượng công bố hơn.

Ví dụ, Đại học Tôn Đức Thắng công bố 2.058 bài báo Web of Science và 2.586 bài Scopus, nhưng tổng cộng lại có 2.699 bài. UPM tích hợp cơ sở dữ liệu của cả 2 hệ thống thông qua hệ thống VCgate.

University Performance Metrics (UPM) là một bảng xếp hạng theo hình thức gắn sao (star rating) áp dụng cho các trường đại học của Việt Nam. Nhóm đưa ra 8 tiêu chuẩn với 60 tiêu chí, các tiêu chí đánh giá được xây dựng khá rộng theo tiếp cận kiểm định chất lượng và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

UPM là sản phẩm của nhóm triển khai đề tài khoa học thuộc Chương trình khoa học quốc gia về Khoa học giáo dục do GS Nguyễn Hữu Đức, TS Võ Đình Hiếu, ThS Nguyễn Hữu Thành Chung, TS Nghiêm Xuân Huy (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.

 

 

Minh Khôi

Tin mới