Hầu hết các công ty tại Singapore có chế độ nghỉ phép hưởng lương khi người thân qua đời. Nhiều công ty hỗ trợ 1 tuần lương như một khoản tiền an ủi giúp nhân viên lo chuyện hậu sự cho thân nhân, đồng thời cho phép nghỉ làm 3 - 5 ngày để họ dành thời gian cho các công việc của gia đình. Tuy nhiên, bộ phận nhân sự cũng kiểm soát nghiêm ngặt về thủ tục, yêu cầu cung cấp giấy chứng tử dạng giấy hoặc phiên bản điện tử, trước khi chấp thuận cho nghỉ phép, đặc biệt là với chế độ nghỉ phép được trả lương.
Để đối phó với quy định trên, Nawwar Aisar Sardali, 30 tuổi, gian lận bằng cách làm giả giấy chứng tử của người thân, họ hàng để được nghỉ mà vẫn hưởng chế độ phúc lợi từ công ty chủ quản, thậm chí gian lận tới 3 lần.
Theo bản cáo trạng, trong lần đầu tiên, Nawwar làm giả giấy chứng tử "của người họ hàng mang tên Abdul Halim Abdul, mất ngày 28/9/2022". Tiếp theo, anh ta làm giấy chứng tử giả của người mang tên Abdul Baba, ngày chết được ghi là 29/3/2023; cuối cùng là giấy chứng tử giả mang tên Kasmani Harun, mất ngày 12/7/2023. Nawwar còn làm giả giấy chứng tử dạng kỹ thuật số đi kèm để dễ dàng lừa quản lý.
Tòa án Nhà nước Singapore, nơi xét xử vụ việc.
Nếu bị tòa kết tội làm giả giấy chứng tử, Nawwar có thể bị phạt tù tới 10 năm, phạt tiền tới 7.600 USD (khoảng 190 triệu đồng) và bị buộc hoàn trả các phúc lợi đã nhận được. Anh chàng đang nhờ vợ bảo lãnh và liên hệ với luật sư để kháng cáo.
Vào ngày 8/8, Su Qin, 37 tuổi, một phụ nữ Trung Quốc đang sinh sống tại Singapore, cũng bị buộc tội làm giả giấy khám sử khỏe và giấy chứng tử để xin nghỉ phép. Theo cáo trạng, Su đã nộp giấy khám sức khỏe giả đề tên "Bệnh viện St Luke" cho công ty ETC Singapore SEC Limited vào ngày 1/4.
Quá trình điều tra, cô bị phát hiện từng nộp một giấy khám sức khỏe giả khác cho công ty vào ngày 8/4. Cả hai lần đều bị kết luận là cố ý lừa quản lý công ty để được nghỉ phép. Vào ngày 15/4, Su nộp giấy chứng tử giả mang tên là Zhang Weiqin cho một công ty khác mà cô làm việc.