Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

12 dự án thua lỗ: Có nhà máy đầu tư xong bán sắt vụn

Trong 12 dự án thua lỗ, tang thương nhất là có nhà máy đầu tư xong bán sắt vụn.

Sáng 21/4, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì đã kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành công thương.

Tại buổi làm việc, nhận định việc xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành công thương rất được dự luận, Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng kết quả bước đầu đã tạo chuyển biến.

Tuy nhiên, theo ông Thừa, vẫn có những nhiệm vụ thực hiện chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ. Mà vấn đề vướng nhất là tài chính, quyết toán, liên quan đến đầu tư. “Tôi nghĩ rằng, cần phải xem xét hết sức khách quan. Cái nào xử lý được thì xử lý luôn, cái nào không xử lý được thì kiến nghị” - ông Thừa nói.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành tập trung quan tâm, vì đây là các dự án lớn liên quan nhiều bộ, ngành, thậm chí có những vấn đề phải có ý kiến của Thủ tướng.

Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng bị “đắp chiếu” nhiều năm. (Ảnh: Hoài Dương) 

“Tôi đi một nhà máy ethanol thấy đầu tư sai cả chủ trương. Có nhà máy đầu tư lớn nghìn tỉ đồng mà nguyên liệu không có, đầu ra không có, đầu tư xong đắp chiếu. Có những nhà máy hoạt động rồi thì quản trị có vấn đề, không chuyên nghiệp nên lỗ. Tang thương nhất là có nhà máy đầu tư xong bán sắt vụn” – ông Thừa trăn trở và cho rằng sau này các ngân hàng cho vay, các đơn vị quyết định đầu tư phải báo cáo thật cụ thể với Thủ tướng.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong các dự án thua lỗ, có dự án âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ luỹ kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, chưa nói cộng cả nợ phải trả. Cho nên, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ cơ chế, ngay cả việc bảo hộ cho sản xuất trong nước, điều chỉnh thuế…

“Mục tiêu là hoạt động trở lại được thì tốt nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Bộ Công Thương đã báo cáo từng phương án của từng nhà máy. Có những dự án đặt vấn đề phương án phá sản, có dự án đặt phương án bán. Vậy muốn thực hiện được cái gì thì dứt khoát phải hoàn thành xong quyết toán. Quyết toán xong mới làm cái gì thì mới làm được”- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Ông Mai Tiến Dũng cũng chia sẻ với những vướng mắc trong quá trình thực hiện thanh quyết toán của các dự án. Tuy nhiên, theo ông, bây giờ quan trọng nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đánh giá tổng thể dự án về công nghệ, thiết bị, tài chính, quản trị… Ông Dũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, bộ Công Thương đưa ra các phương án chi tiết, cụ thể với từng dự án. “Hôm nay, cái gì các đơn vị kiến nghị thì Văn phòng Chính phủ là cơ quan để đôn đốc, chịu trách nhiệm giúp. Những nhiệm vụ nào liên quan đến bộ ngành yêu cầu thực hiện nghiêm túc, nếu không thực hiện được là gây khó khăn cho các tập đoàn, tổng công ty”- Bộ trưởng Dũng lưu ý.

12 dự án nghìn tỉ thua lỗ, đắp chiếu:

1, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.

2, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.

3, Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.

4, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất.

5, Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình.

6, Dự án Nhà máy đạm Hà Bắc.

7, Nhà máy đạm DAP 1 Lào Cai.

8, Nhà máy đạm DAP 2 Hải Phòng.

9, Dự án Ethanol Bình Phước.

10, Dự án Ethanol Phú Thọ.

11, Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

12, Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Video: Trách nhiệm của 5 siêu dự án thua lỗ lớn

Nguồn: Người Lao Động

Tin mới