Ngày 6/6, người dân tại xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nghe thấy tiếng trẻ em khóc, nhưng ai cũng nghĩ đó là tiếng mèo kêu.
Tới 15h ngày 8/6, sau khi tiếng khóc yếu dần, kèm theo tiếng nấc, rên khẽ, một số người đi tìm và phát hiện bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố gas bỏ hoang. Lúc này bé trong tình trạng rất đáng thương, còn nguyên dây rốn, trên người không mặc quần áo, bị kiến, dòi bu đầy mắt, mũi, miệng, tai và cuống rốn.
Bé được đưa về Trạm Y tế xã Thanh Mỹ để sơ cứu, làm sạch vết thương. Do tình trạng quá nặng nên bé tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, rồi sau đó là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đêm 8/6.
Bé An nhập viện trong tình trạng đáng thương, còn nguyên dây rốn, trên người không mặc quần áo, bị kiến, dòi bu đầy mắt, mũi, miệng.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bé sơ sinh lúc 19h ngày 8/6 trong tình trạng có tổn thương da khắp người, tổn thương dây rốn và mắt do bị ấu trùng xâm nhập. Bé trai được chẩn đoán nhiễm trùng sơ sinh. Sau khi được xử lý các vết thương, bé tỉnh, tự thở, truyền dịch, tiêm kháng sinh và nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch để theo dõi tại khoa Sơ sinh bệnh viện. Nhờ được cấp cứu, nên tạm thời, bé không bị nguy hiểm tới tính mạng.
Vì chưa tìm thấy người thân nên bệnh viện tạm đặt tên cho bé là Nguyễn Văn An, với mong muốn bình an. An chỉ nặng 2,4kg, không có người thân bên cạnh, cơ thể bị tổn thương nhiều. Bệnh viện kêu gọi sự trợ giúp đỡ và nhiều nhà hảo tâm bày tỏ mong muốn nhận bé An làm con nuôi. Nhưng do vấn đề pháp lý nên bệnh viện không thể can thiệp.
Ngày 11/6, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết sức khỏe của An đang tiến triển tốt. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Sơ sinh, bé tỉnh, tự thở, tình trạng nhiễm trùng vẫn còn, mắt có viêm kết mạc, không có tổn thương giác mạc; tai chưa phát hiện bất thường.
Những ngày đầu, sức khỏe của An có những tiến triển tốt, nhưng sau đó trở nặng từ ngày 12/6.
Hiện tượng vàng da của An được khắc phục bằng cách chiếu đèn. Bé gặp phải tình trạng viêm ruột nặng, được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch và truyền kháng sinh.
Tuy nhiên, tới 12/6, bệnh tình của bé diễn biến xấu. BS Thái Bằng Giang - Trưởng khoa Nhi sơ sinh cho biết bé bị nhiễm trùng máu. Để điều trị, các bác sĩ phải cho An thở máy, dùng thuốc vận mạch, kiểm soát huyết áp và dùng kháng sinh phổ rộng. Song song với đó, bệnh viện cũng tổ chức hội chẩn hàng ngày với Bệnh viện Nhi Trung ương và các chuyên gia Anh Quốc để tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho bé.
Ngày 15/6, tình trạng sức khỏe của An vẫn còn nặng, kết quả xét nghiệm của bé dương tính với vi khuẩn khuẩn gram âm. Các bác sĩ nỗ lực vừa điều trị nhiễm trùng máu, chăm sóc da, kháng sinh tổng hợp, vừa kiểm soát nhiễm khuẩn cũng như thuốc vận mạch.
Tuy nhiên, do trẻ sơ sinh hay gặp những thay đổi nhanh về sức khỏe, An lại vừa bị bỏ rơi nhiều giờ ngoài trời nắng, lại không được ăn uống, chăm sóc nên sức khỏe của bé bắt đầu có biểu hiện bất lợi. Thời điểm này, bé có nguy cơ bị sốc nhiễm khuẩn suy đa tạng.
Ngày 17/6, bé An được chỉ định rút ống nội khí quản. Nhưng chỉ sau đó 2 ngày, các bác sĩ phải can thiệp lại kỹ thuật này do tình trạng của bé có những diễn biến phức tạp.
Ngày 20/6, bé An bước sang ngày điều trị thứ 12, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, tình trạng nhiễm khuẩn của bé vẫn còn nặng, phổi trái bị xẹp nhưng bé phản xạ được, có thể ăn 8 bữa sữa/ngày qua ống xông, mỗi bữa 10 ml. Theo các bác sĩ, do ngay khi nhập viện bé đã bị nhiễm khuẩn nặng, sau đó bị sốc nhiễm khuẩn nên việc điều trị rất khó khăn.
Trong suốt thời gian ở viện, An luôn được các bác sĩ chăm sóc chu đáo, tận tình.
Ngày 25/6, BS Thái Bằng Giang - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bé An vẫn đang trong tình trạng rất nặng, phải thở máy. Tuy không còn xẹp phổi, gan thận không suy, mắt và tai không bị ảnh hưởng, nhưng tình trạng nhiễm trùng huyết vẫn chưa được khống chế. Để điều trị, bệnh viện cho An dùng kháng sinh nhưng xảy ra tình trạng kháng kháng sinh.
Tối cùng ngày, BS Giang thông tin, tình trạng nhiễm khuẩn huyết của An chưa được kiểm soát. Các biểu hiện gián tiếp, cận lâm sàng của bé như tiểu cầu đã giảm xuống rất thấp (khoảng 5.000 – 6.000/mm3 máu).
An cũng được chỉ định vừa dùng kháng sinh phổ rộng tới 4 loại, vừa điều trị phối hợp nhiễm khuẩn kháng thuốc. Do tình trạng vẫn còn nặng, nên bé được nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch, tiên lượng khó khăn.
13h35 hôm nay, bé Nguyễn Văn An - trẻ bị bỏ rơi dưới hố ga ở Sơn Tây (Hà Nội) qua đời, khép lại hành trình 21 ngày nỗ lực chiến đấu với tử thần.
Video: Các bác sĩ nỗ lực điều trị cho bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố gas ở Sơn Tây