Giáo sư Alberto Zangrillo, người đứng đầu bộ phận chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Italy San Sanffaffe hôm 31/5 nói rằng virus corona mới "về lâm sàng không còn tồn tại". Nhưng bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO và một số chuyên gia khác về virus và các bệnh truyền nhiễm, cho rằng nhận định của Zangrillo chưa có đủ các bằng chứng khoa học.
Cụ thể, không có dữ liệu cho thấy virus corona mới đang thay đổi một cách đáng kể, dù là mức độ lây truyền hay mức độ nặng của các triệu chứng. "Về phương diện truyền bệnh, chưa có gì thay đổi, về mức độ nặng, chưa có gì thay đổi", bà Van Kerkhove nói với các phóng viên.
Virus hoàn toàn có khả năng biến đổi và thích nghi khi chúng lây lan. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng virus gây COVID-19 đang yếu đi.
Bà Maria Van Kerkhove, nhà dịch tễ học của WHO. (Ảnh: Reuters)
"Với dữ liệu từ hơn 35.000 bộ gen virus, hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy có sự khác biệt đáng kể liên quan đến mức độ tác động nghiêm trọng của nó", ông Martin Hibberd, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại London nói.
Các chuyên gia và đại diện của Đại học Johns Hopkins, Trung tâm y tế Wake Forest Baptist, Đại học George Washington và Northwell Health cũng cho biết họ không nhận thấy bằng chứng nào cho thấy virus đã thay đổi.
Leana Wen, một bác sĩ cấp cứu và giáo sư y tế công cộng tại Đại học George Washington cảnh báo những luận điểm sai lầm có thể mang lại sự trấn an giả tạo khi không có bằng chứng. "Nó là một bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao và rất dễ lây lan. Chúng ta cần cảnh giác hơn bao giờ hết".