Sau khi trở về nhà, Rosa Jimenez Cano nhận thấy việc tham gia một cuộc biểu tình chống lại hành động bạo lực của cảnh sát tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Nó có thể là một mồi lửa cho COVID-19", nhà đầu tư mạo hiểm 39 tuổi nói sau khi tham dự cuộc biểu tình ở Florida.
Khi nhiều bãi biển, nhà thờ, trường học và doanh nghiệp mở cửa trở lại ở khắp nước Mỹ, tình trạng bất ổn tại ổ dịch lớn nhất thế giới làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát mới.
Rosa cho biết, cô đang lên kế hoạch tự cách ly 14 ngày, lo lắng bản thân có lẽ là một người vô trách nhiệm khi hòa chung cùng đám đông biểu tình ở Miami hôm 30/5.
Người biểu tình tập trrung tại một địa điểm ở Washington. (Ảnh: NYT)
Các cuộc biểu tình liên quan tới cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì cổ tới chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota làm nổ ra các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ, từ Minneapolis cho tới New York, Atlanta hay Los Angeles. Một số người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát, đốt phá các cửa hàng, công trình, thiêu rụi nhiều chiếc xe trên phố.
Các chuyên gia y tế lo ngại những người mang virus thầm lặng có thể vô tình lây nhiễm cho những người khác trong các cuộc biểu tình, nơi mọi người chen chúc, nhiều người không đeo mặt nạ và liên tục hò hét. Virus có thể phát tán thông qua những giọt siêu nhỏ trong không khí khi mọi người ho, hắt hơi, hát hoặc nói chuyện.
Video: Xe bồn chở dầu lao vào đám đông biểu tình ở Minnesota
"Khi hàng trăm người đứng gần nhau, virus lan tràn khắp các con phố. Điều đó không có lợi cho sức khỏe", Thống đốc bang Maryland Hog Hogan cho hay.
"2 tuần kể từ giờ, chúng ta sẽ xem liệu điều này có khiến các ca bệnh tăng đột biến hay không", ông cho hay.
Mỹ hiện ghi nhận hơn 1,7 triệu ca mấc COVID-19 và hơn 100.000 người thiệt mạng.
Thị trưởng Washington Muriel Bowser hôm 31/5 bày tỏ lo ngại về việc các cuộc biểu tình ở Washington và nhiều nơi khác có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các ổ dịch mới. Nhiều người biểu tình ở Washington đeo khẩu trang nhưng không tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội.
"Chúng tôi đã làm việc vất vả trong 8-10 tuần để người dân không tụ tập đông đúc. Giờ đây, chúng tôi lo lắng về "sự phục hồi" của virus", bà cho hay.
Các chuyên gia lo ngại biểu tình sẽ là mồi lửa châm ngòi cho làn sóng lây lan virus thứ 2. (Ảnh: LA Times)
Ngay cả những người biểu tình đeo khẩu trang cũng không thể đảm bảo họ không bị lây nhiễm virus. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết khẩu trang vải ngăn người nhiễm bệnh lây lan virus chứ không được thiết kế để đảm bảo người đeo không nhiễm virus.
Tiến sĩ Howard Markel, một nhà sử học y khoa chuyên nghiên cứu về đại dịch ví các đám đông biểu tình đòi công lý cho Floyd với cuộc diễu hành với khoảng 200.000 người tham dự ở Philadelphia vào thời điểm dịch cúm Tây Ban Nha càn quét toàn cầu năm 1918.
Trong vòng 6 tuần tiếp sau cuộc diễn hành này, Philadelphia ghi nhận 47.000 ca nhiễm và 12.000 người thiệt mạng, Những tháng tiếp theo, số người chết ở thành phố này tăng lên 16.000 và hơn 50.000 người nhiễm bệnh.
Khí gas và hơi cay mà cảnh sát sử dụng để đối phó với đám đông khiến mọi người chảy nước mắt, ho, tăng tiết dịch hô hấp từ mắt, mũi và miệng, gia tăng khả năng lây truyền virus.
"Khi cảm xúc dâng cao, nhiều người bị mất đi nhận thức về những người mà họ tiếp xúc, ai đeo hay không đeo khẩu trang", ông Markel cho hay.
Điều đáng quan ngại hiện nay là các cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của Floyd đã bắt đầu lan rộng tới châu Âu.
Người dân London hôm 31/5 tổ chức cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc. Nhiều người tham gia biểu tình tập trung ở Quảng trường Trafalgar bỏ qua hoàn toàn khuyến cáo giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang.
Người biểu tình tập trung ở Philadelphia
Anh là quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao thứ 2 thế giới (38.500 trường hợp), chỉ đứng sau Mỹ.
Tại Berlin, hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ vào tối 30/5, mang theo các tấm biểu ngữ "Công lý cho George Floyd". Tại Đan Mạch, đám đông tuần hành gần Đại sứ quán Mỹ ở Copenhagen.