Với người Việt Nam, ngày rằm tháng 7 hằng năm có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Đó là ngày Vu lan báo hiếu, ngày xá tội vong nhân.
Một số người giải nghĩa, chữ “bồn” trong Vu lan bồn có nghĩa là cái chậu, ý chỉ việc chư tăng đi khất thực, đựng vật thực cúng dường vào bình bát. Tuy nhiên, đây là cách giải nghĩa sai lầm.
Vu lan có nghĩa là gì? (Ảnh: Trường Phong - Hữu Hướng)
Vu lan bồn là cách phiên âm Hán Việt của một từ tiếng Phạn – ullambana, có nghĩa là cứu người đang bị treo ngược, hay giải thoát khỏi sự khốn khổ tột cùng. Người bị treo ngược là hình ảnh người đang chịu đau khổ, người đang phải đọa trong địa ngục. Đại đức Mục Kiền Liên là người dùng pháp Vu lan bồn để cứu mẹ mình thoát khỏi cảnh khổ đau tột cùng ở địa ngục và sau đó phổ biến pháp này để cứu những chúng sinh đau khổ khác.
Vì sao ngày Vu lan lại nhằm vào rằm tháng 7? Để trả lời câu hỏi này, cần trở lại câu chuyện ngài Mục Kiền Liên (một trong những đại đệ tử của đức Phật), biết mẹ mình – bà Thanh Đề - vì tạo nhiều nghiệp ác nên sau khi chết trở thành ngạ quỷ, khổ đau đói khát. Mục Kiền Liên thương xót mẹ, hóa ra một bát cơm cho mẹ mình, nhưng bà Thanh Đề tâm tham sân si vẫn nặng, một tay bưng bát cơm, một tay ngăn những ngạ quỷ khác ăn mất, nên cơm đến miệng hóa thành lửa đỏ.
Ngài Mục Kiền Liên cầu cứu Đức Phật. Phật nói để giải nghiệp cho bà Thanh Đề, cần đợi đến rằm tháng bảy, khi chư tăng kết thúc 3 tháng an cư tu tập, thỉnh nhờ họ làm lễ Vu lan, cùng chú nguyện thì mẹ ông mới thoát khổ cảnh. Làm theo cách này, bà Thanh Đề thoát kiếp ngạ quỷ, tái sinh lên cõi cao hơn. Đại đức Mục Kiền Liên sau đó xin phép Đức Phật đem pháp Vu lan bồn phổ biến rộng rãi để cứu khổ chúng sinh.
Rằm tháng 7 Âm lịch còn một ý nghĩa khác là ngày Xá tội vong nhân. Theo tín ngưỡng dân gian, từ ngày 2 đến 15 tháng 7 âm lịch, Quỷ môn quan được mở để các vong hồn ở âm phủ được trở lại dương thế. Ngay cả những linh hồn tội lỗi, khi còn sống gây nhiều tội ác nên khi chết bị đọa vào địa ngục, trong dịp này cũng được tha ra để hưởng lộc cúng của nhân gian. Vì thế, rằm tháng bảy cũng được coi là ngày xá tội vong nhân.
Còn với Phật tử, ngày xá tội vong nhân cũng gắn với sự tích bà Thanh Đề được cứu như đã kể trên.
Truyền thống Bông hồng cài áo là đặc trưng của lễ Vu lan tại Việt Nam từ 6 thập kỷ trước, bắt nguồn từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ông kể trong đoản văn “Bông hồng cài áo năm” 1962 như sau: “Tây phương không có ngày Vu lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân.
(Ảnh: Trường Phong - Hữu Hướng)
Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó.
Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu lan.
Viết xong, tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn. Bài này được gửi qua chị Trương Thị Nhiên. Chị Nhiên và Đoàn Sinh viên Phật tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay 300 bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng hay màu trắng cho người còn mẹ, hay mất mẹ.
Rằm tháng Bảy năm ấy, họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên. Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của Đoàn Sinh viên Phật tử, đã gửi bài viết cho Hòa thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút nguyệt san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần. Tập san Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề Nhìn kỹ Mẹ. Hòa thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động.
Sau đó ‘Bông hồng cài áo’ được in ra nhiều lần, một số chùa bắt đầu tổ chức lễ Bông hồng cài áo. Từ đó, lễ Bông hồng cài áo đã trở thành một truyền thống.
Năm 1964, Nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả quyển Bông hồng cài áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965, đoàn cải lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng ‘Bông hồng cài áo’ và có mời tôi tham dự”.
Từ ý tưởng của Thiền sư Nhất Hạnh, nghi thức bông hồng cài áo ngày lễ Vu lan trở thành một truyền thống lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Năm 1967, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ viết ca khúc “Bông hồng cài áo” cũng rất nổi tiếng.