Chiều 9/2, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nắm thông tin về việc voi có nhiều vết thương vẫn chở khách du lịch tham quan mà báo chí đã phản ánh.
Đơn vị này đã cử cán bộ xuống huyện Lắk và Buôn Đôn làm việc với các chủ voi để nắm bắt tình hình, đồng thời quán triệt, yêu cầu ký cam kết không được dùng bạo lực, hành hạ voi.
Theo ông Phước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hơn 1 năm qua, voi nhà ở Đắk Lắk được thả vào rừng, không phục vụ du lịch. Nay voi bị bắt chở khách nên nhiều con không chịu nghe lời. Nài voi đã dùng roi, móc sắt để điều khiển khiến voi bị thương. Hành động trên đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của voi và ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đàn voi nhà.
Hình ảnh voi chi chít vết thương oằn mình chở khách được du khách ghi lại. (Ảnh: Nguyễn An)
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cũng đã cử cán bộ xuống 2 địa phương nói trên để kiểm tra việc voi bị thương vẫn bị ép chở khách du lịch được phản ánh, gây xôn xao dư luận.
Theo Sở này, chưa thể cấm chủ voi dùng voi chở khách du lịch bởi voi đang thuộc sở hữu của người dân. Theo quy định, voi chở khách không quá 4 giờ và không quá 15 ngày trong tháng.
Hiện Đắk Lắk có 37 cá thể voi nhà, đang bị "vô sinh", hầu hết đã qua tuổi sinh sản. Phần lớn cá thể voi nhà đang tham gia chở khách du lịch.
Duy nhất Vườn Quốc gia Yok Đôn đang triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó, voi được gỡ bành, tháo xích, được thả trong rừng; du khách trải nghiệm theo voi vào rừng, tìm hiểu đặc tính thú vị của voi. Mô hình này thu hút du khách yêu động vật hào hứng trải nghiệm.