Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang: Nổi danh ở Liên Xô, khôi phục võ thuật Việt Nam

(VTC News) -

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang có đóng góp lớn cho sự phát triển của thể thao Việt Nam, đặc biệt là các môn võ thuật.

Ông Hoàng Vĩnh Giang thời trẻ từng là một vận động viên điền kinh giữ kỷ lục quốc gia ở môn nhảy cao. Thế nhưng, môn thể thao mà ông dành nhiều tâm huyết và cống hiến nhiều nhất lại là võ thuật.

Nổi tiếng hơn Lý Tiểu Long

Trước khi trở thành Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, ông Hoàng Vĩnh Giang là một võ sư Vịnh Xuân nổi tiếng. Thậm chí, danh tiếng của ông ở Liên Xô từng có lúc nổi hơn cả Lý Tiểu Long.

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang ở Liên Xô.

Nhiều môn sinh từ Matxcơva, Leningrad (nay là Saint Petersburg), Sochi, thậm chí cả Kazakhstan, Armenia... tìm đến ông để học võ. Thời ấy, ông vẫn là nghiên cứu sinh môn điền kinh ở Đại học Thể dục thể thao Kiev (nay thuộc Ukraine). Những võ sĩ nổi tiếng của Liên Xô, Congo...ở các môn võ khác cũng kết bạn để giao lưu võ thuật với võ sư Hoàng Vĩnh Giang.

Lớp học của ông hấp dẫn không phải vì những kỹ năng thượng thừa của vị võ sư. Ông Hoàng Vĩnh Giang nổi danh nhờ cách truyền đạt tới các môn sinh, cũng như việc giới thiệu môn võ Vịnh Xuân thông qua những câu chuyện văn hóa, lịch sử và cả tiểu thuyết võ hiệp.

“Ban đầu tôi mở lớp dạy võ không phải để kiếm tiền mà chỉ là đam mê và muốn vừa tìm nguời cùng tập để tự nâng cao linh giác sự biến hóa về đòn thế vừa có thể truyền lại cho mọi người ở bên đó Vịnh Xuân quyền Việt Nam.

Nếu mình giỏi giang thực sự kiếm tiền là một nhẽ, đằng này ba láp cả. Nên chỉ biết có gì dạy nấy chứ đâu phải chuyện lấy tiền thiên hạ", võ sư Hoàng Vĩnh Giang kể lại trong một cuộc phỏng vấn với VTC News.

Sau một thời gian chỉ dạy cho vui, ông Hoàng Vĩnh Giang cũng tính học phí nhưng không phải để kiếm tiền riêng. Số tiền ấy, khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, ông dùng để mua lại các trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể thao của trường Đại học TDTT Kiev.

Với sự giúp đỡ của hiệu trưởng Platonov, cũng là một... học trò ở lớp Vịnh Xuân, ông Hoàng Vĩnh Giang đưa về Việt Nam 2 container chứa đầy trang bị của các môn đấu kiếm, boxing, judo, vật, karate... trị giá ước tính khoảng 15 cây vàng để tặng cho ngành thể thao nước nhà.

Mang võ về Việt Nam

Hành trang mà võ sư Hoàng Vĩnh Giang mang về nước không chỉ là trang thiết bị. Ông chính là người đưa môn đấu kiếm đến Việt Nam, đồng thời mở đường cho sự phát triển của các môn võ thể thao sau này.

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam.

Ông bắt đầu khơi dậy phong trào từ miền Nam, nơi từng phát triển môn đấu kiếm từ thời Pháp và vẫn còn các trọng tài quốc tế, nhưng không thành công. Sau đó, trở lại miền Bắc, vị võ sư này quyết định tự mở lớp và sử dụng chính những trang thiết bị mang từ Liên Xô về.

Ông Hoàng Vĩnh Giang đích thân đứng lớp với khoảng 200 môn sinh. Có một lần, ông suýt mất mạng vì cậu học trò, là cháu ruột của diễn viên Trà Giang, tập sai kỹ thuật đâm lõm mặt nạ bảo vệ mặt.

"Tôi bị phần lõm của mặt nạ gây thủng mao mạch khiến máu chảy ra không cầm được. Sau đó tôi được võ sư Xuân Thi, HLV kiếm đầu tiên tại Hà nội cõng đi cấp cứu ở bệnh viện 354 ngay sau phòng tập, tôi hoàn toàn bất tỉnh sau khi mất máu quá nhiều", ông kể lại.

Sau đấu kiếm là đến judo, vật rồi boxing lần lượt được khôi phục nhờ nỗ lực vận động phong trào của võ sư Hoàng Vĩnh Giang.

Và cũng không chỉ có võ thuật, võ sư Vịnh Xuân từng giữ kỷ lục quốc gia môn nhảy cao còn góp công lớn trong việc phát triển nhiều môn khác của thể thao Việt Nam. Ông được xem là "cha đẻ" của chiến lược đi tắt đón đầu, giúp thể thao Việt Nam có bước nhảy vọt ở SEA Games 22, tạo đà vươn tầm ở đấu trường khu vực, châu lục trong những năm sau đó.

Nói về võ sư Hoàng Vĩnh Giang, nhà báo Nguyễn Lưu từng viết về ông rằng: "Một người thày tồi chỉ biết dạy chân lý cho trò, còn ông thày giỏi sẽ biết dạy trò cách tìm ra chân lý. Ở tầng vĩ mô, đó mới là sở trường của Hoàng Vĩnh Giang, ông đã để lại những dấu ấn không thể nào quên của Thể thao Việt Nam và điều này sẽ khiến ông đi vào lịch sử".

Minh Ngọc

Tin mới