Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vinh danh 'nhà thơ thế giới': Thói háo danh khiến thật giả lẫn lộn

(VTC News) -

"Khi danh hiệu được mua bán, thói háo danh lan truyền thì giá trị văn hóa cũng bị đảo lộn, nguy hiểm nhất là mất niềm tin nơi công chúng", nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.

Chuyện "nhà thơ thế giới" Tống Thu Ngân được vinh danh tại một sự kiện mới đây với hàng loạt chức danh "kêu đùng đoàng" như Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật cấp cao của Liên đoàn Các nhà thơ thế giới; Đại sứ trọn đời của Liên đoàn Các nhà thơ thế giới; Phó Chủ tịch Hội đồng Những người bảo vệ các nhà thơ thế giới... tạo thành làn sóng châm biếm, mỉa mai trên khắp không gian mạng.

Một lần nữa, thói háo danh lại được thể hiện một cách lố bịch tạo nên trò cười, và là kiểu "cười ra nước mắt". 

"Nhà thơ thế giới" Tống Thu Ngân (giữa) trong sự kiện mà bà được vinh danh.

"Mua danh tốn tiền rồi tự hại mình"

"Tôi làm thơ hơn 50 năm nhưng chưa bao giờ nghe thấy nhưng danh xưng 'nhà thơ thế giới'. Về 'nhà thơ Tống Thu Ngân', đây cũng là lần đầu tiên tôi được biết. Nghe những danh xưng được phong tặng đó hài hước quá! Đến hiện tại, tôi chỉ biết duy nhất nhà thơ Huy Cận là Viện sĩ Viện Hàn lâm thơ Thế giới", nhà thơ Dương Kỳ Anh nói với phóng viên VTC News.

Theo ông, háo danh là thói rất xấu và khó bỏ của người Việt. "Người Việt Nam chúng ta đi lên từ nền sản xuất nhỏ nên thói háo danh rất nặng. Danh tiếng đúng là thứ ai cũng muốn nhưng vì nó mà bất chấp thì đó là thói xấu đáng lên án.

Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc bệnh háo danh cũng phát triển. Người có tiền thì cần có danh, mà cách nhanh nhất là mua. Tôi cũng từng gặp rất nhiều người như vậy. Đây là thực trạng rất đáng buồn. Không chỉ trong văn chương, nghệ thuật mà trong xã hội cũng có rất nhiều người muốn mua danh để nổi tiếng. Có người cần danh, muốn dùng tiền để mua thì cũng sẽ có người bán". 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng, thói háo danh phát triển sẽ khiến thật giả lẫn lộn, người ta không biết tin vào đâu: "Khi danh hiệu được mua bán, thói háo danh lan truyền thì giá trị văn hoá cũng bị đảo lộn, mà nguy hiểm nhất là mất niềm tin nơi công chúng. Với những cá nhân gây ảnh hưởng, điều đó khiến công chúng không còn phân biệt được ai mới là nhà văn, nghệ sỹ thật sự, như vậy thì còn ai muốn đọc thơ".

Theo ông, đây là lúc công luận và báo chí lên án những "con sâu làm rầu nồi canh" trong đời sống thơ ca và xã hội. "Theo tôi, các nhà quản lý nên lên tiếng, trong sự việc này là Hội Nhà văn Việt Nam. Các cơ quan quản lý cũng nên có chế tài để những sự việc như vậy không còn xảy ra. Công luận cần lên án thói háo danh và dùng công chúng để loại bỏ hiện tượng này. Sức mạnh của công chúng rất lớn vì khi họ đã quay lưng, thói quen đó sẽ biến mất", nhà thơ Dương Kỳ Anh nêu quan điểm.

Nói về giá trị của một nhà thơ chân chính, ông khẳng định, giá trị của văn hoá nghệ thuật chính là ở tác phẩm. Một nhà văn, nhà thơ dù "nổi", có nhiều chức danh đến đâu mà không có tác phẩm hay thì cũng không được trân trọng. Nhắc đến câu 'Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ', nhà thơ Dương Kỳ Anh khẳng định, tác phẩm văn học giá trị, mang sức sống lâu bền phải được tạo bằng tâm huyết của người cầm bút. 

Ông nhấn mạnh: "Một người làm nghệ thuật chân chính là phải có những tác phẩm để đời, tác phẩm mà qua bao nhiêu thế hệ vẫn được người ta thuộc lòng, đọc đi đọc lại, chứ không phải là vài ba danh xưng hão huyền nhưng đến danh tính cũng chẳng ai biết. Mua danh tốn tiền rồi cũng là tự hại chính mình".

Háo danh bất chấp là bất thường tâm lý

Nói về danh xưng nhà thơ, nhà văn Di Li chia sẻ: "Làm được một bài thơ có giá trị thì khó, nhưng nếu chỉ ghép vần thì những người bình thường cũng làm được; nhưng viết được vài bài thơ không có nghĩa là trở thành nhà thơ. Danh lợi là thứ cám dỗ với mọi người, nhưng nếu việc này vượt kiểm soát thì sẽ bị coi là không bình thường về mặt tâm lý".

Cũng cho rằng háo danh là đặc tính phổ biến của người Việt, nữ nhà văn bày tỏ: "Nói dễ hiểu là chỉ có cái vỏ nhưng không có lõi. Ông cha ta ngày xưa đã có những phê phán nặng nề về thói háo danh, trọng hư danh. Tuy nhiên hiện tại, bản tính này lại nở rộ và có nhiều công cụ tiếp tay. Khi xã hội phát triển, người ta có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, cái gì không làm được thì sẽ có thể mua bán bằng tiền, kể cả thông tin. Việc xã hội coi trọng đồng tiền cũng là miếng đất màu mỡ cho những người háo hư danh lộng hành".

Theo Di Li, khó có cách giải quyết hết thói háo danh trong xã hội hiện đại, tốt nhất là mọi người không quan tâm đến, những thứ không có giá trị thì sẽ tự động biến mấn, bị đào thải.

"Một nhà văn có tên tuổi nếu không bán được sách thì có nghĩa là không được công chúng đón nhận. Công chúng chính là những người quan trọng trong việc này. Nếu không được đón nhận thì những thứ danh hão sẽ tự đi vào dĩ vãng. Như vậy, những nhà thơ, nhà văn với danh xưng hão huyền sẽ chẳng tồn tại nổi một ngày", nữ nhà văn nói.

Nhà văn Di Li.

Còn nhà văn Thiên Sơn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát các danh hiệu: "Hiện nay, các danh hiệu được sử dụng tuỳ tiện làm đảo lộn giá trị văn hoá. Dư luận xã hội nên có thái độ rõ ràng với sự háo danh, thiếu tự trọng của một số người thiếu năng lực, chỉ tìm mọi cách đề cao mình mà không sáng tạo được gì. Người hoạt động văn hóa cần lấy mục tiêu sáng tạo và cống hiến làm làm tiêu chí cao nhất cho sự nỗ lực".

Theo ông Thiên Sơn, những người thực tài trong văn chương thường không nhiều và họ thường cặm cụi làm việc, cố gắng hết sức mình để có tác phẩm hay. Trong khi đó, nhiều người khác tài năng có hạn lại chỉ lo đánh bóng tên tuổi.

"Sự hám hư danh ấy làm đảo lộn các giá trị văn hoá và gây lạc hướng trong đời sống văn nghệ. Lao động, sáng tạo và viết ra những gì có ích cho cuộc sống mới là giá trị chân chính của văn nghệ sỹ", ông khẳng định.

Tùng Thanh

Tin mới