Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam và UAE dự kiến nâng cấp quan hệ, ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện

Dự kiến Việt Nam và UAE sẽ ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức UAE của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Từ ngày 27-29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức đến Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thăm chính thức UAE sau 15 năm.

Nhân dịp này, Phóng viên VOV tại Ai Cập, phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa cũng như những hoạt động, nội dung làm việc nổi bật trong chuyến thăm UAE lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE sau 15 năm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị; nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với UAE, tạo động lực, mở rộng giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với UAE, đặc biệt trong thu hút đầu tư của UAE vào Việt Nam và tạo bước đột phá cho hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường vùng Vịnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống UAE Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) năm 2023. (Ảnh: VGP)

Trong chuyến thăm, hai bên sẽ có các hoạt động, nội dung làm việc trọng tâm gồm: dự kiến nâng cấp quan hệ; tăng cường hợp tác tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực; dự kiến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp; tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác an ninh, giáo dục, lao động, biến đổi khí hậu và môi trường và các lĩnh vực khác; thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác nhằm củng cố khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.

- Với việc nâng cấp quan hệ và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện, Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác Việt Nam – UAE trong thời gian tới, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh?

Với việc nâng cấp quan hệ và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) trong khuôn khổ chuyến thăm, trong thời gian tới, quan hệ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, việc hai nước ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), hiệp định tự do thương mại đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Ả rập ở khu vực Trung Đông - châu Phi, sẽ mở ra những triển vọng to lớn, một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE.

Hiệp định CEPA sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về kinh tế giữa hai nước, thông qua việc giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ; tạo ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI và tạo ra các cơ hội mới trên một số lĩnh vực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.

Dự báo, hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động, du lịch… sẽ được thúc đẩy khi tiến trình CEPA mở ra.

- Theo Đại sứ, những cơ chế hợp tác cụ thể nào cần tập trung tăng cường để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong giai đoạn tới?

Thứ nhất, ở cấp vĩ mô, tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, nâng cấp quan hệ, gia tăng tin cậy chính trị, tạo tiền đề mở rộng hợp tác kinh tế.

Việc nâng cấp quan hệ có vai trò rất quan trọng với UAE trong việc mở rộng hợp tác, đầu tư trong những lĩnh vực mà UAE quan tâm như công nghệ cao, năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán, chất bán dẫn, tạo cơ hội cho những tập đoàn lớn của ta như FPT, Viettel, Vingroup…. tham gia.

Đại sứ Nguyễn Thanh Diệp và Phó Tổng thống UAE Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan. (Ảnh: ĐSQ VN tại UAE)

Thứ hai, về thương mại - đầu tư, cần nhanh chóng phát triển thị trường Halal tại Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal, hỗ trợ hàng hóa Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng của UAE và khu vực, đáp ứng nhu cầu khách du lịch Hồi giáo.

Trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt, ta nên tập trung mũi nhọn vào những sản phẩm có sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cao, đáp ứng đúng thị hiếu của người UAE để tạo nên sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Cần thúc đẩy xây dựng một hiệp hội doanh nghiệp tại UAE đóng vai trò kiến tạo mạng lưới liên kết, cung cấp thông tin và tư vấn, giảm thiểu những trường hợp tranh chấp/lừa đảo thương mại…

Về đầu tư, thúc đẩy việc thành lập tổ công tác chung giữa hai nước nhằm chia sẻ thông tin, kết nối và tư vấn các dự án/đối tác tiềm năng hai nước, thúc đẩy UAE đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh như năng lượng, năng lượng tái tạo, dầu khí, logistics, bất động sản, cơ sở hạ tầng năng lượng, cơ sở hạ tầng công nghiệp, khu công nghiệp và xử lý nước thải khu công nghiệp.

Thứ ba, gia tăng sự thâm nhập, sự hiện diện vào UAE, tạo động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế. Ngoài việc tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thống như các chương trình quảng bá, đưa học sinh, sinh viên, người lao động sang UAE, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ẩm thực, thể thao, giao lưu nhân dân, thúc đẩy mở đường bay thẳng, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ cao làm việc lâu dài tại UAE từ 5-10 năm, theo chính sách "Thị thực vàng" của UAE, tạo nên những cố vấn giỏi người Việt ở UAE, thân cận với văn phòng Tổng thống, Chính phủ để đề xuất những biện pháp có lợi cho quan hệ hai nước

Xin trân trọng cám ơn Đại sứ đã tham gia trả lời phỏng vấn.

Bá Thi, Minh Ngô

Tin mới