Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với EU vào ngày 30/6

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU vào sẽ được ký kết vào ngày 30/6 tại Hà Nội.

Chiều 25/6, Hội đồng châu Âu (EC) chính thức thông qua quyết định ký kết 2 hiệp định giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). 

Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nhân Romania Ștefan-Radu Oprea sẽ đại diện phía EU ký thỏa thuận này.

EVFTA và EVIPA là những thỏa thuận tiêu chuẩn và tham vọng cao nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển dựa trên quy định pháp luật. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc hội kiến Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Antonio Tajani nhằm thúc đẩy EVFTA nhân chuyến thăm châu Âu tháng 10/2018. (Ảnh: VGP) 

Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong 10 năm tới và 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.

Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á. 

Quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU bắt đầu khởi động từ tháng 6/2012 và kết thúc vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, việc đưa ra kết luận chính thức về thỏa thuận bị trì hoãn vì phải chờ Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) quyết định về yêu cầu đối với việc phê chuẩn thỏa thuận.

Đến tháng 9/2017, EU chính thức đưa ra được một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam. EU đã đề xuất tách thành hai hiệp định độc lập là EVFTA và EVIPA.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu và Nghị viện 28 nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua. EVFTA sẽ bắt đầu có hiệu lực nếu nhận được phê chuẩn của Hội đồng châu Âu và sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu để có hiệu lực trong khi EVIPA cần cả sự phê chuẩn của quốc hội tất cả các nước thành viên EU. Dự kiến EVFTA sẽ được Nghị viện châu Âu thông qua vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020.

Trước đó, vào sáng 25/9, tại hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày 25/6 tại Hưng Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng xác nhận việc ký kết hiệp định tại Hà Nội vào cuối tuần này.

Thủ tướng đánh giá với EVFTA Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường 28 nước thành viên Liên minh châu Âu.

"EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.

DH

Tin mới