Trả lời VTC News bên hành lang quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng, ngành y tế cần đề cao cảnh giác, chưa thể công bố hết dịch.
Bà Lan cho rằng nếu xuất hiện biến chủng COVID-19 mới nguy hiểm hơn với khả năng làm giảm hiệu quả vaccine, hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, thì lúc đó rất khó trở tay. Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng, "ngành Y tế sẽ trở tay không kịp".
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan.
Theo bà Lan, việc công bố hết dịch hay không hết dịch không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, hợp đồng kinh tế đang triển khai hay vấn đề thanh toán tiền bạc. Chúng ta đã bình thường hoá trở lại, mở cửa du lịch, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều quan trọng là phải củng cố hệ thống y tế bằng các giải pháp thiết thực, bài bản, căn cơ.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, Việt Nam đã bình thường hoá các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch mở cửa hoàn toàn; không hoạt động nào bị hạn chế bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, để công bố Việt Nam hết dịch, bà Nga cho rằng "phải rất thận trọng".
Theo đánh giá ngành y tế và các chuyên gia, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, với nhiều biến chủng khác, chưa lường hết được. "Nếu công bố hết dịch rất có thể dẫn tới tâm lý chủ quan, mà bất cứ sự chủ quan nào cũng sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Cho nên, tôi nghĩ rằng, thận trọng là điều hết sức cần thiết, cần nghiên cứu kỹ lưỡng", bà Nga nói.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định tình hình COVID-19 chưa ổn định và khó dự đoán, nếu tuyên bố hết đại dịch Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn như bị động khi xuất hiện biến chủng nguy hiểm, tâm lý chủ quan. Hai thách thức Việt Nam sẽ gặp nếu công bố hết dịch.
Thứ nhất, trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến chủng COVID-19 mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Khi ấy dịch nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
"Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng chống", ông Phan Trọng Lân nói.
Thứ hai, việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là.
Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian.
Đồng thời, COVID-19 liên tục có sự biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong.
Mới đây, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19.
Ông Hiếu nêu rõ: "Chúng ta cần kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi coi như hết dịch. Bằng chứng là tỷ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị COVID-19 ngày càng giảm xuống".
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề xuất Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch với các quy định cụ thể, để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu bùng dịch hay dịch khác xuất hiện. Đồng thời, các thuốc và vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, do đó cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng sang điều trị bệnh lý khác.