Mariko (44 tuổi) tỏ ra lo lắng về đời sống tình dục của Yoko, một người bạn thân của cô.
“Yoko muốn có con nhưng hai vợ chồng nhà đó chưa bao giờ quan hệ tình dục. Chồng cô ấy hứng thú với ăn uống và chơi điện tử hơn là chuyện chăn gối”, Mariko thuật lại những lời phàn nàn của người bạn thân.
Bản thân Mariko cũng không có bạn tình dù cô rất muốn lấy chồng sinh con. Nghe chừng lạ đời nhưng câu chuyện của hai người phụ nữ này lại hoàn toàn phổ biến ở Nhật Bản.
Nhiều cặp vợ chồng Nhật Bản không hào hứng chuyện sinh con đẻ cái. (Ảnh: Nippon)
Dân số quốc gia này đang già đi với tốc độ chưa từng thấy, đưa đất nước đến bờ vực của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, có tác động lâu dài đối với kinh tế - xã hội.
Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản ước tính có 921.000 em bé ra đời trong năm 2018, ít hơn 25.000 so với năm ngoái và là con số thấp nhất từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu vào năm 1899. Năm 2018 cũng là năm thứ ba liên tiếp số ca sinh thấp dưới mức 1 triệu.
Chán hẹn hò, chẳng kết hôn
Số lượng người độc thân tại xứ sở hoa anh đào tăng đáng kể trong 30 năm qua. Theo tuần báo Shukan Toyo Keizai, có tới 20% người dân quốc gia này chọn cuộc sống độc thân cả đời.
Năm 2015, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tokyo cho biết 1/3 đàn ông và 1/4 phụ nữ ở độ tuổi cuối 30 vẫn độc thân. Một nửa trong số đó không có hứng thú với các mối quan hệ khác giới.
Họ cũng thống kê được thêm 2,2 triệu nữ giới và 1,7 triệu nam giới độc thân trong độ tuổi từ 18-39 so với năm 1992.
Mặc dù truyền thông địa phương nhận định rằng giới trẻ chẳng còn quan tâm đến cả tình yêu lẫn “chuyện chăn gối”, các nhà nghiên cứu cho biết sự suy giảm ham muốn tình dục không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ sinh thấp ở xứ Phù Tang.
Số lượng người độc thân ở Nhật Bản tăng mạnh trong 3 thập kỷ qua. (Ảnh: New York Times)
“Nhật Bản bị ám ảnh bởi hình ảnh mẫu mực của một gia đình truyền thống”, Masahiro Yamada, giáo sư đến từ Đại học Chuo (Nhật Bản), nhận định.
Theo ông, nhiều thanh niên Nhật Bản khao khát được thực hiện vai trò giới truyền thống, nơi đàn ông là trụ cột kinh tế của gia đình, còn phụ nữ chăm lo nhà cửa và con cái.
Đầu những năm 90, nữ giới dễ dàng tìm được ý trung nhân có công việc lương cao và ổn định. Nhưng việc này trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế quốc gia hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều cô gái trẻ xứ Phù Tang vẫn đánh giá cao tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Họ chấp nhận tiếp tục sống chung với bố mẹ và chờ đợi một người bạn đời lý tưởng.
Những người này nghĩ rằng việc hẹn hò với một người không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của mình là tốn thời gian. Thông thường, tại các bữa tiệc mai mối, phụ nữ có xu hướng tiếp cận, trao đổi thông tin liên lạc với những người đàn ông tri thức và có thu nhập cao nhất nhóm.
“Thế nhưng, chẳng mấy ai tìm được người phù hợp mong ước của mình, cho nên họ quyết định sống độc thân”, giáo sư nói.
Sự nghiệp trước, yêu đương sau
Công việc quay cuồng khiến nhiều người không có thời gian cho việc hẹn hò, hoặc đơn giản là họ đề cao sự nghiệp hơn chuyện tình cảm.
"Phải sống sung túc trước khi nghĩ đến hôn nhân" trở thành châm ngôn sống của không ít bạn trẻ. Tuy nhiên, thị trường việc làm bấp bênh và thu nhập thấp khiến ước mơ đó khó thành sự thật.
“Mức thu nhập thấp và sự gia tăng số lượng công việc không ổn định, cùng nỗi sợ bị sa thải bất cứ lúc nào, khiến mọi người đều không nghĩ sớm về việc kết hôn”, Shuchiro Sekine, Chủ tịch Công đoàn đại diện cho nhân viên lao động hợp đồng, cho biết.
Áp lực kiếm tiền khiến nhiều người trẻ chán hẹn hò, yêu đương. (Ảnh: Getty Images)
Haruka Sakamoto, một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, giải thích thêm: “Nếu các chính sách trực tiếp giải quyết được tình trạng ít học vấn và không có công việc ổn định, may ra họ mới hứng thú với chuyện hẹn hò”.
Thay vào đó, để thỏa mãn nhu cầu tình cảm và tình dục của mình, giới trẻ Nhật Bản tìm đến các câu lạc bộ đêm hoặc quán cà phê hầu gái. Một số khác ưa chuộng “tình yêu ảo” với các nhân vật hoạt hình anime.
Hatsune Miku, nhân vật được tạo hình bằng công nghệ Hologram, là "vợ" của hàng nghìn chàng trai xứ Phù Tang. Với khoảng 2.800 USD cộng với phí hàng tháng, người mua có thể “chung sống” với Miku.
“Bạn không nhất thiết phải ràng buộc hạnh phúc của mình vào một khuôn mẫu nhất định như kết hôn và sinh con. Tôi yêu và xem cô ấy như một con người thực sự”, Akihiko Kondo, một trong 3.700 “người chồng” của Miku, nói với The Guardian.