Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Ronaldo tỏa sáng, còn Messi bế tắc ở đội bóng mới?

(VTC News) -

Cùng có những thương vụ chuyển nhượng đình đám ở mùa hè 2021, nhưng trong khi Ronaldo đang thăng hoa cùng Man Utd, Messi lại thể hiện phong độ trái ngược ở PSG.

Hơn một thập kỷ trôi qua kể từ thời điểm cuộc đua vĩ đại mang tên Cristiano Ronaldo - Lionel Messi bắt đầu, cả hai vẫn không ngừng cạnh tranh đỉnh cao, dù đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Mùa hè 2021 chứng kiến một trong những kỳ chuyển nhượng kịch tính nhất lịch sử, khi cả Messi và Ronaldo đều có bến đỗ mới. Khi Messi ký hợp đồng với PSG, đó tưởng như là thương vụ đỉnh cao nhất, cho đến trước khi Ronaldo quyết định trở lại Man Utd.

Ronaldo và Messi có khởi đầu trái ngược.

Tuy nhiên, màn khởi đầu của cả hai tại CLB mới đang có nhiều khác biệt. Nếu Ronaldo là thủ lĩnh của Man Utd, Messi lại nhạt nhòa ở PSG.

Ronaldo ghi dấu ấn 

Khi một cựu binh trở lại đội bóng cũ ở tuổi 36, thật khó chờ đợi cầu thủ ấy có thể gây dựng tầm ảnh hưởng về chuyên môn như những gì anh ta làm được trong năm tháng đỉnh cao trước đây.

Song, Ronaldo không phải cầu thủ bình thường, nên không thể áp dụng quy chuẩn bình thường để đánh giá. Ronaldo đang chơi như thể anh chưa từng rời xa Man Utd suốt 12 năm. 3 trận đầu tiên từ khi trở lại Quỷ đỏ, Ronaldo đều ghi bàn.

Đó là Ronaldo - cầu thủ ghi 36 bàn sau 44 trận cho Juventus mùa trước. Ở tuổi 36, Ronaldo vẫn ở đẳng cấp rất cao. Rất ít người hoài nghi rằng Ronaldo sẽ phải chật vật trong màu áo Man Utd. Thực tế là, chỉ cần 3 trận, Ronaldo đã áp đặt tầm ảnh hưởng lên lối chơi của toàn đội. 

Ronaldo trở thành chủ công Man Utd. 

Chính CR7 là người tạo ra khác biệt trong những kiểu trận đấu mà ở mùa trước, Man Utd phải rất khó khăn mới thắng được. Trong trận gặp Newcastle, Ronaldo ghi bàn mở tỷ số. Khi đối thủ ghi bàn gỡ hòa, tiền đạo 36 tuổi lập tức có pha lập công thứ hai, giúp Man Utd tái lập thế dẫn trước.

Ở trận gặp Young Boys tại Champions League, Ronaldo cũng chỉ mất 13 phút để ghi bàn. Trong cuộc so tài với West Ham, Ronaldo hoàn tất pha lập công thứ 4 cho Quỷ đỏ chỉ sau 3 trận với pha đệm bóng cận thành.

Ronaldo không còn là cầu thủ chạy cánh khéo léo, kỹ thuật như ngày anh rời Man Utd 12 năm trước. CR7 trở thành cây săn bàn đáng sở trong vòng cấm nhờ sự thính nhạy, cùng vốn kinh nghiệm vô cùng phong phú.

Nếu duy trì phong độ, Ronaldo đủ sức giúp Man Utd tạo điểm nhấn trong cuộc đua dự đoán khó khăn với Chelsea, Liverpool và Manchester City cho danh hiệu vô địch. 

Tuy nhiên, hiệu ứng Ronaldo không đơn thuần là chuyên môn. Chỉ riêng sự có mặt của CR7 đã thay đổi cách nhìn của các đồng đội tại Man Utd về những vấn đề cơ bản như dinh dưỡng, tập luyện. Nhiều cầu thủ tò mò với cách Ronaldo đã làm để giữ phong độ cao ở tuổi 36, do đó khao khát học theo sự chuyên nghiệp của CR7.

Ronaldo là hình mẫu chuyên nghiệp. 

"Không một cầu thủ nào ăn tráng miệng vào bữa tối sau khi họ thấy Ronaldo ăn quinoa, bơ và một vài quả trứng luộc", thủ môn dự bị Lee Grant chia sẻ. Đó là hiệu ứng tích cực, mà Man Utd chỉ phải bỏ 23 triệu euro trong 5 năm để sở hữu. 

Messi lạc lõng 

Nếu Ronaldo bùng cháy trong ngày trở lại Man Utd, Messi dường như uể oải tại PSG. Anh không thường xuyên đá chính (mới có 3 trận từ tháng 8 đến nay), vừa bị thay ra ở trận gặp Lyon. Lần đầu tiên sau 12 năm, Messi bị rút ra giữa trận với lý do chiến thuật.

Thực tâm, Messi không muốn rời Barca. Vấn đề tài chính là rào cản khiến cả hai không thể ký hợp đồng mới. Có thể, Messi chưa có đủ thời gian suy tính trước khi tới PSG. 

Song, không thể giải thích sự khó nhọc của Messi tại PSG bằng nguyên nhân nói trên. Anh được chơi cùng Kylian Mbappe và Neymar, là một phần của "đội hình trong mơ" mà giới chủ Qatar tốn công xây dựng. Đội hình PSG hiện tại được đánh giá là chất lượng hơn Barca.

Messi chưa quen với cuộc sống không Barca. 

Messi đã khởi đầu không tốt. Nếu Ronaldo đá chính trong ngày trở lại, Messi chỉ ra mắt PSG từ ghế đự bị. Trong trận gặp Club Brugge, Messi đá chính, sát cánh cùng Neymar và Mbappe. Dù vậy, siêu sao người Argentina rất vất vả để tạo ra tầm ảnh hưởng. Dù mạnh vượt trội đối thủ, PSG chỉ có trận hòa 1-1.

Nỗi thất vọng được tăng thêm một nấc ở trận gặp Lyon, khi Messi bị rút khỏi sân ở phút 76, khi PSG đang cần bàn thắng.

Sau khi rời sân, Messi nhìn chằm chằm vào Mauricio Pochettino, với ngôn ngữ cơ thể cho thấy anh không thể hiểu quyết định của HLV trưởng. Messi buồn bã ngồi trên ghế dự bị. Khi Mauro Icardi ghi bàn quyết định ở phút 93, Messi phải mất vài giây để đứng dậy khỏi chỗ ngồi và miễn cưỡng vỗ tay ăn mừng.

Với cầu thủ say mê và giàu khát vọng như Messi, đó rõ ràng là phản ứng bất thường.

Messi từ chối bắt tay HLV Pochettino. 

So với màn trình diễn nhạt nhòa trước Brugge, Messi chơi hay hơn ở trận gặp Lyon. Siêu sao người Argentina sút phạt dội điểm nối giữa xà ngang và cột dọc, đồng thời khiến thủ môn Anthony Lopes phải cứu thua ở pha đối mặt trong hiệp 1.

Nhưng như thế là chưa đủ. Messi được kỳ vọng lập tức tỏa sáng ở Ligue 1 - giải đấu bị đánh giá thấp hơn nhiều so với Ngoại hạng Anh, LaLiga hay Serie A.

Tất nhiên, Ronaldo có điều kiện thuận lợi hơn Messi để tỏa sáng. Với CR7, Man Utd là mái ấm thân thuộc. Còn với Messi, PSG và thủ đô Paris vẫn là nơi chốn xa lạ. 

Để so sánh công bằng hơn, hãy đối chiếu màn ra mắt của Messi tại PSG với Ronaldo ở Juventus hồi năm 2018. Sau khi gia nhập "Bianconeri" với giá 100 triệu euro, Ronaldo tịt ngòi ở 3 trận đầu tiên tại Serie A, bị đuổi khỏi sân ở trận đầu tiên tại Champions League.

Mùa giải đó, Ronaldo chỉ ghi 21 bàn. Nhưng, Ronaldo cuối cùng cũng hòa nhập và ghi lần lượt 31 và 29 bàn thắng trong hai mùa giải tiếp theo. 

Messi sớm muộn cũng tạo được tầm ảnh hưởng ở PSG, nhưng đến lúc này, tạm thời siêu sao 34 tuổi đang xếp sau kình địch trong cuộc đua ở mùa giải này. 

Hồng Nam

Tin mới