Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Nhật Bản phá vỡ lệnh trừng phạt phương Tây để mua dầu Nga trên giá trần?

(VTC News) -

Các quốc gia thành viên G7 bao gồm Nhật Bản từ cuối năm 2022 đã đồng ý áp trần giá dầu Nga ở mức 60 USD/thùng nhưng giờ Tokyo lại phá vỡ quy tắc này.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn một báo cáo cho biết, Nhật Bản đã âm thầm bỏ qua lệnh trừng phạt Nga khi mua dầu thô từ Moskva trên mức giá áp trần 60 USD/thùng. Hành động này của Tokyo được cho là nhận sự đồng ý từ Washington. Nhật Bản là trường hợp ngoại lệ.

Tại sao Nhật Bản mua dầu thô từ Nga?

Trong khi nhiều quốc gia châu Âu hạn chế hoặc dừng nhập khẩu dầu thô từ Nga nhằm phản ứng với cuộc chiến tại Ukraine thì Nhật Bản vẫn tăng cường mua khí đốt tự nhiên lẫn dầu từ Moskva của Nga. Bên cạnh đó, Tokyo vẫn thể hiện cam kết ủng hộ Ukraine. Điều này thể hiện qua sự đồng thuận của Tokyo với các thành viên G7 khi đưa ra lệnh áp trần giá dầu Nga vào tháng 12/2022.

Việc Mỹ và EU tạo ngoại lệ cho Nhật Bản cho thấy Tokyo phụ thuộc nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch từ Nga. (Ảnh: Wall Street Journal)

Việc Nhật Bản tiếp tục mua dầu Nga, thậm chí phá vỡ mức giá áp trần là do quốc gia Đông Á này hầu như không sở hữu mỏ khí đốt hay dầu thô nào. Trong khi đó nhu cầu sử dụng năng lượng của Nhật Bản là rất lớn.

Báo cáo của WSJ dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng chính sự phụ thuộc này đã khiến Nhật Bản do dự trong việc hỗ trợ Ukraine. Đến nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Quốc gia Đông Á hiện là nước nhập khẩu khí đốt hỏa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, trong đó Nga cung cấp 10% số LNG Nhật Bản cần, chủ yếu thông qua dự án dự án Sakhalin-2 ở Viễn Đông.

Năm 2022, Nhật Bản đã nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga nhiều hơn 4,6% so với năm trước đó.

Phát biểu tại phiên họp Thượng viện Nhật Bản ngày 27/3, Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Tokyo muốn tiếp tục đầu tư vào các dự án dầu khí ở Sakhalin để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo Thủ tướng Kishida, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục tham gia vào các dự án năng lượng lớn ở ngoài khơi đảo Sakhalin của Nga do tầm quan trọng của chúng đối với an ninh năng lượng của nước này.

Các quan chức Nhật Bản cũng cho biết Tokyo sẽ nhận trái đắng nếu từ bỏ cơ hội tiếp cận với LNG của Nga, bởi Moskva thể chuyển hướng và bán số nhiên liệu này sang cho Trung Quốc.

Dự án dầu khí Sakhalin-2 là dự án hợp tác giữa Nga và Nhật Bản. (Ảnh: sakhalinenergy)

Nhật Bản mua dầu của Nga với giá bao nhiêu?

Cũng theo WSJ, EU và Mỹ đưa ra ngoại lệ cho Nhật Bản đối với việc áp trần giá dầu Nga từ tháng 9/2022. Theo đó nước này được mua dầu Nga ở mức trên giá trần 60 USD/thùng cho đến tháng 9/2023.

Nhượng bộ này của EU và Mỹ cho thấy Nhật Bản phụ thuộc vào Nga đối với nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

Trong 2 tháng đầu năm nay, Nhật Bản đã mua khoảng 748.000 thùng dầu từ Nga với tổng trị giá 6,9 tỷ yen (50,43 triệu USD). Theo tỷ giá hối đoái hiện nay, giá mà Tokyo đã trả cho mỗi thùng dầu Nga là khoảng 70 USD. Nga hiện vẫn xuất khẩu hàng triệu thùng dầu mỗi ngày, nên lượng mua vào của Nhật Bản chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Cuối năm ngoái, G7 và Australia đã thống nhất áp giá trần đối với dầu thô nhập khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng nhằm giảm nguồn thu của Nga đồng thời ngăn chặn cú sốc đối với giá dầu toàn cầu.

Cơ chế giá trần này cho phép các quốc gia không thuộc EU tiếp tục được nhập khẩu dầu Nga, nhưng cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các đơn hàng dầu Nga trên toàn cầu, trừ khi chúng được bán dưới mức giá trần.

Trà Khánh (Nguồn: First Post; Wall Street Journal)

Tin mới