Căn phòng của ban lãnh đạo Hải Phòng tại sân Lạch Tray treo một khung ảnh chiếm một phần ba diện tích bức tường. Đó là ảnh Hải Phòng ăn mừng chức vô địch cúp Quốc gia 2014 - danh hiệu đáng chú ý nhất của bóng đá đất Cảng trong một thập kỷ qua.
Trong ảnh, HLV Dylan Kerr ăn mừng với các học trò là Thanh Thắng, Đình Tùng, Văn Phong, Tiến Thành hay Văn Nam. Trước khi thay Hoàng Anh Tuấn nắm Hải Phòng, HLV Kerr chưa từng huấn luyện đội nào ở V-League. Trong các học trò của ông, chỉ có Đình Tùng và Quang Hải là nổi bật. Hải "gà" khi ấy đi những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp lẫy lừng, còn Tùng "sóc" chưa bao giờ vươn đến đỉnh cao.
Hải Phòng vô địch cúp Quốc gia 2014.
Hải Phòng đáng lẽ đã có một danh hiệu nữa, nếu thầy trò HLV Trương Việt Hoàng không sẩy chân cuối mùa 2016 với một loạt trận thua khó hiểu. Với cổ động viên đất Cảng, vị trí á quân V-League 2016 còn ý nghĩa hơn chức vô địch cúp Quốc gia. Hải Phòng định dùng trực thăng diễu hành mang một chiếc cúp giả ăn mừng, biểu trưng cho cúp trong lòng người hâm mộ.
Đội hình Hải Phòng về nhì V-League 2016 có gần nửa quân số là "hàng tồn" từ các đội bóng khác, đến theo dạng chuyển nhượng tự do. Văn Thắng, Khánh Lâm, Xuân Luân, Anh Hùng, Đình Bảo,... chỉ là những cái tên thường thường. Thủ môn Văn Lâm ngày ấy chưa được như bây giờ.
Hải Phòng trong quá khứ là đội bóng "nhà nghèo vượt khó", với lực lượng khiêm nhường, chế độ lương thưởng thuộc mức trung bình. Bộ nhận diện của đội bóng đất Cảng là tinh thần máu lửa, cùng lực lượng cổ động viên luôn hừng hực trên khán đài. Có thời điểm, Lạch Tray là sân bóng đi dễ khó về với hầu hết các đội V-League.
Nhưng cũng giống SLNA hay Nam Định, Hải Phòng không thể cứ vượt khó mãi. Danh hiệu á quân mùa 2016 hóa ra là đỉnh cao cuối của Hải Phòng. Từ mùa 2017 trở đi, đội bóng đất Cảng trượt dài. Cuộc đua vô địch chỉ là mộng mị, Hải Phòng thực tế hơn với một vị trí giữa bảng. Hiện tại, một chỗ đứng thứ 8, thứ 9 cũng xa tầm với đội bóng này.
Hải Phòng (áo đỏ) đã ở rất xa thời đỉnh cao.
Vấn đề của Hải Phòng không chỉ là thiếu tiền. Hải Phòng còn thiếu ngoại binh giỏi, còn nội binh không đủ cá tính để chơi bóng máu lửa, ngoan cường như thế hệ đi trước. Đầu mùa giải, Hải Phòng cho Than Quảng Ninh mượn Andre Fagan và Jermie Lynch. Nếu Fagan ghi 43 bàn trong 7 năm khoác áo Hải Phòng, Lynch là chân sút số 1 của đội chủ sân Lạch Tray mùa trước với 10 bàn.
Đẩy đi bộ đôi chất lượng, Hải Phòng mang về Claudecir - chân sút đã tăng cân và để lại đỉnh cao ở mùa vô địch cùng Quảng Nam, tin vào Diego Silva - cầu thủ chưa để lại ấn tượng. Tổng số bàn thắng Claudecir và Silva ghi sau 9 vòng là 1 bàn. Nội binh của Hải Phòng cũng kém chất lượng. Hoài Dương, Ngọc Tân, Mạnh Hùng đã qua thời đỉnh cao, còn lớp trẻ như Audrey Nguyễn, Martin Lò đều non nớt.
Có một câu chuyện khá khôi hài về trung vệ Adriano Schmidt của Hải Phòng được một lãnh đạo kể lại, đó là khi HLV Park Hang Seo đến dự khán mùa trước, Schmidt bỗng... căng thẳng, xin nghỉ đá ngay trước trận khoảng vài chục phút. Sự việc khiến HLV Việt Hoàng nổi nóng. Đó là dấu hiệu tâm lý yếu, dù sòng phẳng về chuyên môn thì Schmidt không phải trung vệ tồi.
Tập thể Hải Phòng vừa thiếu cá tính và chất "ngông" để vượt khó, vừa không đủ bản lĩnh để vượt những trận căng thẳng theo thể thức mới. Nếu từ Brazil xa xôi, cựu tiền đạo Leandro Oliveira còn phải cảm thán "Hải Phòng quá tệ", thì ban huấn luyện đội bóng không thể không nhìn ra vấn đề.
HLV Phạm Anh Tuấn đã hết bài?
Chia sẻ sau trận hòa CLB TP.HCM, trợ lý Quốc Vượng chỉ mong Hải Phòng nằm trong nhóm 8 đội dẫn đầu là mừng. Khi ấy, Hải Phòng vẫn bất bại và xếp thứ 5. Lực lượng của Hải Phòng không cho phép đội bóng mơ cao. Bởi cùng thiếu tiền và... vô danh, nhưng đội bóng đất Cảng đã mất hết tinh hoa.
Cuối cùng, HLV Phạm Anh Tuấn dường như đã hết "bài". Một số nguồn tin nói rằng những buổi tập của ông Tuấn không thúc đẩy được cầu thủ Hải Phòng. Đơn cử như buổi tập cuối cùng trước một trận V-League, ông Tuấn chỉ cho cả đội tập đá phạt góc và chia đội hình đối kháng kiểu "cho qua". 9 vòng đấu chưa đủ kiểm chứng năng lực HLV, nhưng suốt thời gian qua, Hải Phòng hầu như không có bài vở tấn công.
Đội bóng đất Cảng ghi bàn yếu nhất giải với chỉ 4 pha lập công, trung bình chưa được 0,5 bàn/trận. Hải Phòng cũng chưa có cầu thủ nội nào điền tên lên bảng tỷ số. 3/4 bàn của Hải Phòng được ghi bởi ngoại binh Joseph Mpande. Đây cũng là cầu thủ duy nhất của Hải Phòng chơi ở đẳng cấp V-League.
Chiều nay, Hải Phòng so tài với Hà Nội, trong trận đấu mà câu chuyện an ninh có khi còn hấp dẫn hơn chuyên môn. Cổ động viên Hải Phòng có mang pháo sáng đến Hàng Đẫy, đó còn là dấu hỏi, nhưng khi Hải Phòng đã đuối sức, lại thiếu khát khao của một "ngựa ô" năm nào, khán giả cũng khó náo nhiệt. Nhìn "thành tích" đá tồi nhất trên sân nhà của đội bóng đất Cảng là biết.