Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vàng da bệnh lý: Bé 2 ngày tuổi phải thay máu

(VTC News) - Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa tiến hành thay máu cấp cứu cho một trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi.

(VTC News) - Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) vừa tiến hành thay máu cấp cứu cho một trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi trong tình trạng rất nặng.

Cháu được chuyển lên từ tuyến dưới với tình trạng vàng da đậm toàn thân, có biểu hiện tăng trương lực cơ, gồng cứng người, bỏ bú. Sau khi thăm khám, các bác sỹ cho biết đây là biểu hiện của vàng da nhân, hậu quả nặng nề nhất của bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh.

Mặc dù đã được chiếu đèn tăng cường và các điều trị hỗ trợ khác nhưng tình trạng bệnh vẫn có xu hướng nặng lên nên các bác sỹ phải tiến hành thay máu cấp cứu. Sau khi được thay máu tình trạng cháu đã ổn định nhưng sẽ phải theo dõi lâu dài về các di chứng thần kinh.

 Bé sơ sinh phải thay máu vì vàng da bệnh lý

ThS.BS Phạm Thị Ngọc Hân – Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cho biết, vàng da là một hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, khoảng 70% trẻ sơ sinh bình thường có hiện tượng vàng da trong tuần đầu tiên do chất bilirubin trong máu tăng cao.

Đây là một chất rất độc với não, bilirubin trong máu quá cao sẽ thấm vào tổ chức não hủy hoại tổ chức não. Khi đã có biểu hiện tổn thương não do bilirubin (gọi là bệnh vàng da nhân), trẻ có thể tử vong hoặc nếu sống cũng sẽ bị di chứng thần kinh nặng nề (bại não, câm, điếc …).

Theo các bác sỹ, do phong tục nằm trong phòng tối của các bà mẹ sau khi sinh nên hiện tượng vàng da của trẻ hầu như không được chú ý đến. Mặt khác, khái niệm vàng da sinh lý mà các bà mẹ tìm thấy trên một số phương tiện truyền thông, và cả một số nhân viên y tế tạo nên tâm lý chủ quan, một số trẻ khi đến viện thì đã quá muộn.

BS Hân cho biết, việc chẩn đoán vàng da không khó, chỉ cần đưa trẻ ra vùng có đủ ánh sáng, miết nhẹ lên da trẻ thì sẽ thấy được màu da thực sự của trẻ.

Nếu có vàng da nhưng các dấu hiệu khác bình thường như bú tốt, nước tiểu vàng, đi tiểu 2-3 lần/ngày thì cứ theo dõi bình thường đến ngày thứ bảy. Nếu thấy trẻ bú yếu, ngủ nhiều, nước tiểu trong thì đưa bé đi khám ngay.

Sau sinh, từ ngày thứ ba, tư đến ngày thứ 10, 12 mỗi ngày nên phơi nắng bé khoảng 10 phút sẽ giúp bé giảm vàng da.

Các bác sỹ cho biết, không phải bao giờ vàng da ở trẻ sơ sinh cũng là vàng da sinh lý mà có thể là vàng da bệnh lý. Khi đó cần phải đến bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời. Thời điểm điều trị là rất quan trọng, việc phát hiện và điều trị sớm trẻ sẽ lành bệnh hoàn toàn, nhưng khi đã có biểu hiện vàng da nhân thì dù được cứu sống trẻ cũng có khả năng bị di chứng thần kinh nặng nề.

Vàng da có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh, vì vậy các bậc cha mẹ hãy quan tâm hơn đến biểu hiện vàng da của con mình, đừng để trẻ phải nhập viện trong tình trạng quá muộn vì sẽ nguy kịch đến tính mạng hoặc tàn phế suốt đời.

Tâm Huyền

 

Nguồn:

Tin mới