Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Văn Lâm và thời khắc tuyệt vọng khi bị HAGL chấm dứt hợp đồng

Hai lần chạm đáy sự nghiệp ở Dinamo Moscow và HAGL, Đặng Văn Lâm vẫn vượt qua tất cả, từng bước trở lại và giờ là thủ môn số một của tuyển Việt Nam.

Thủ thành tuyển Việt Nam đã có những chia sẻ xúc động trên trang chủ Muangthong về hành trình đến với bóng đá, những khó khăn ngày đầu khởi nghiệp, vinh quang và niềm tự hào với màu áo tuyển Việt Nam.

Trở về Việt Nam vì không muốn phải nhập ngũ ở Nga

Trang mạng xã hội của Muangthong đã đăng tải một bài viết xúc động và chi tiết về sự nghiệp của Đặng Văn Lâm. Ảnh: Muangthong. 

- Chào Văn Lâm, hãy bắt đầu câu chuyện bằng gia đình và tuổi thơ của anh nào?

Gia đình tôi ở Nga có 5 người. Tôi có một em trai và một em gái. Chúng tôi thuộc nhóm trung lưu, không giàu có gì nhưng cũng tương đối đầy đủ.

Ngày còn nhỏ, tôi có thể chơi rất nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội hay quần vợt. Tuy nhiên, thứ duy nhất khiến tôi yêu là bóng đá. Tôi thực sự phát cuồng vì môn thể thao này. Tôi suốt ngày mơ mộng tới việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.

Dù vậy, vị trí đầu tiên của tôi không phải thủ môn. Khi bạn còn nhỏ, chẳng có vị trí nào cố định. Những cậu nhóc khác cũng vậy, chúng tôi cứ đá lung tung lên, chỉ chạy và chơi hết mình.

- Vậy điều gì đã dẫn anh tới vị trí thủ môn?

Năm tôi lên 8, gia đình có kỳ nghỉ ở một bờ biển nước Nga. Có một sân bóng ở gần đó nên tôi chạy tới chơi cùng lũ trẻ. Bất chợt, một HLV chạy tới và hỏi tôi: “Con thử bắt gôn nhé”. Tôi nói: “Vâng, con sẽ cố”. Đó là lúc tôi bắt đầu với vị trí này.

Tôi không chắc đó là năm 8 hay 9 tuổi. Sau đấy, một HLV ở trường tiểu học nói với tôi rằng ông ấy có liên hệ với đội Spartak Moscow nên sẽ mời họ tới chơi một trận giao hữu. Hôm đó, tôi làm thủ môn và đội thua 0-13.

Nhưng khi trận đấu kết thúc, HLV của Spartak tiến về phía tôi và nói chuyện. Ông ấy bảo tôi đến tập thử ở CLB. Họ quan tâm tới tôi vì chiều cao ấn tượng. Lúc ấy, tôi cao hơn tầm 6, 7 cm so với một đứa trẻ bình thường.

Văn Lâm trong màu áo CLB Hải Phòng ở mùa giải 2016. Ảnh: Minh Chiến.

- Bố mẹ có ủng hộ anh đi con đường này không?

Tôi phải cảm ơn bố mẹ mình rất nhiều. Họ đã rất lo lắng khi tôi bước vào những ngày tập luyện đầu tiên. Tôi hiểu đó là bước ngoặt lớn với ba mẹ, họ cũng phải cố gắng vượt qua chuyện đó. Nhưng họ vẫn cho phép tôi tự đi con đường của mình.

Tôi vẫn nhớ buổi tập đầu tiên. Bố lái xe đưa tôi tới sân tập. Ông cổ vũ ầm ĩ bên ngoài sân như thể chúng tôi có một HLV khác nữa.

- Anh bắt đầu ở Nga nhưng cuối cùng lại thi đấu tại Việt Nam. Điều gì đã khiến anh phải ra đi?

Năm 15 tuổi, tôi chuyển tới Dinamo Moscow. Tôi đã Dinamo suốt 4 năm nhưng họ vẫn không đề nghị ký hợp đồng. Điều đó khiến tôi thất vọng. Nhiều bạn bè của tôi cũng buồn bã, không ai trong chúng tôi có được hợp đồng chuyên nghiệp. Khi ấy, tôi đã gần 18 tuổi. Ở Nga, nếu đủ 18 tuổi mà chưa đi làm hoặc đi học, bạn sẽ phải nhập ngũ.

Tôi buộc phải nói chuyện với cha mình. Ông ấy còn nhiều bạn bè ở Việt Nam. Thành thật mà nói, tôi không biết quá nhiều về Việt Nam ngoài vài người họ hàng. Dù vậy, nỗi sợ hãi khiến tôi quyết định trở về, tìm kiếm cơ hội ở quê hương của cha.

Văn Lâm trong trận tuyển Việt Nam hòa Thái Lan ở vòng loại World Cup hồi năm ngoái tại Mỹ Đình. Ảnh: Minh Chiến.

Lên tuyển sau 2 trận, khiến cha tự hào

- Tôi nhớ rằng anh và Kiatisak Senamuang cùng chơi cho HAGL. Đó có vẻ là một CLB thú vị?

Tôi ký hợp đồng với HAGL hồi năm 2010. Đó là một đội bóng cực kỳ chuyên nghiệp, một trong những CLB mạnh nhất Việt Nam. Tôi đã rất vui vì được có mặt ở đó. Đấy là lần đầu trong đời, tôi rời xa gia đình. Tôi đã nhớ nhà rất nhiều. Nhưng tôi phải đi bởi khao khát trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, bởi tôi yêu bóng đá rất nhiều. Tôi biết bố sẽ rất tự hào nếu ngày nào đó, tôi chơi cho đội tuyển Việt Nam. Bởi vậy, tôi cố gắng thật kiên nhẫn, cố đấu tranh với nỗi cô đơn trong trái tim mình.

- Nhưng rồi anh không cạnh tranh được vị trí và phải sang chơi ở Lào?

Mọi thứ tại HAGL khi ấy thực sự khó khăn, khó khăn giống như khi tôi không thể có hợp đồng chuyên nghiệp ở Nga. Tại Việt Nam, chí ít tôi còn có họ hàng. Nhưng khi phải chuyển sang Lào (chơi cho Hoang Anh Attapeu - PV), tôi không biết một ai cả. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, từ ngôn ngữ, văn hóa, cách sống...

Đó thực sự là khoảng thời gian tuyệt vọng của tôi. Tôi cảm thấy rất tệ. Tôi thậm chí đã nghĩ tới việc từ bỏ bóng đá và trở lại đi học.

- Sau khi bị HAGL cắt hợp đồng, anh làm gì trong 2 năm không được chơi bóng?

Năm 2014, tôi nhận được liên lạc từ Thái Lan. Một HLV thủ môn người Thái từng làm việc ở HAGL nên chúng tôi biết nhau từ đấy. Ông ấy quay về Thái và trở thành HLV ở Suphanburi. Ông ấy mời tôi tới Thái Lan thử việc.

Tôi đã đến Suphanburi thử việc một tháng nhưng cuối cùng lại quay về Việt Nam. Lý do là bởi chú tôi nhắn có một CLB V.League đang thực sự quan tâm. Gia đình tôi ở Nga cũng rất lo lắng khi tôi ở Thái bởi họ không biết gì về nơi này.

Lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng mình không còn là một cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi khát khao được là một phần trong thế giới bóng đá nhưng không thể. Vậy nên, tôi trở lại Nga, quay lại trường học, cố gắng tìm một ngành học nào đó gần với thể thao. Nhưng tôi không thể học nổi.

 

- Sau đấy là bức thư nổi tiếng gửi cho Toshiya Miura năm 2015?

Đúng vậy. Tuy ông ấy từ chối tôi nhưng chính lá thư ấy đã mở ra cơ hội mới. Nhờ bức thư ấy, CLB Hải Phòng liên lạc với tôi, nói rằng họ quan tâm tới tôi. Tôi quay lại Việt Nam vào giữa năm 2015. Nhưng cho tới tận năm 2016, cơ hội của tôi mới xuất hiện. Rồi tôi được gọi lên tuyển Việt Nam sau chỉ 2 trận.

- Lên tuyển chỉ sau 2 trận ư? Tôi phải chúc mừng anh đấy.

Tôi luôn hạnh phúc khi được khoác áo tuyển Việt Nam. Cuối cùng, tôi đã khiến cha mình tự hào. Tôi có thể khẳng định trái tim mình luôn là người Việt Nam, 100% luôn.

Tôi được ra sân lần đầu cho tuyển quốc gia ở vòng loại Asian Cup với Jordan hồi năm 2017. Đó là một trận hòa không bàn thắng còn tôi được bầu là Cầu thủ hay nhất trận. Tôi bắt đầu trở thành thủ môn số một của tuyển Việt Nam, dự AFF Cup 2018 rồi Asian Cup 2019.

- Điều gì đưa anh trở lại Thái Lan sau đấy?

Rất nhiều CLB đã bày tỏ sự quan tâm nhưng tôi chọn Muangthong bởi đây là đội bóng giàu truyền thống. Họ có những nhà vô địch trong đội hình như Teerasil Dangda, Kawin Thamsatchanan. Điều quan trọng là Muangthong rất nổi tiếng ở Việt Nam.

Tôi đã theo dõi mạng xã hội của Kawin từ khi anh ấy còn chơi cho Muangthong. Tôi luôn xem các highlight của Muangthong. Được chứng kiến một thủ môn như thế tạo cho tôi niềm cảm hứng.

- Anh đến Muangthong trong giai đoạn khó khăn của CLB. Điều gì làm anh ấn tượng nhất với nơi này?

CĐV Muangthong luôn khiến tôi kinh ngạc. Họ theo sát đội bóng cả trong và ngoài sân cỏ. Họ hát vang cùng CLB suốt 90 phút, kể cả trong những ngày chúng tôi bại trận. Họ luôn ở bên cạnh đội bóng. Tôi không hiểu ý nghĩa những bài hát hay giai điệu nhưng tôi cảm thấy sự động viên mà họ muốn truyền tới cho các cầu thủ.

Tôi sẽ nỗ lực hết mình, chiến đấu từng ngày, từng trận, từng buổi tập. Hy vọng năm nay sẽ là một năm tuyệt vời cho tôi và Muangthong.

- Cảm ơn Văn Lâm vì cuộc trao đổi.

Nguồn: Zing News

Tin mới