Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Va chạm với xe ba gác, nam thanh niên bị 11 thanh sắt đâm xuyên chân

Sự việc kinh hoàng xảy ra khi anh K. đang lưu thông trên đường, không may va chạm với xe ba gác chở sắt xây dựng khiến 11 cây sắt đâm xuyên chân trái.

Ngày 16/4, bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận phẫu thuật cấp cứu nam bệnh nhân bị 11 thanh sắt loại dùng trong xây dựng đâm xuyên chân trái.

Bệnh nhân V.K. (31 tuổi, trú tại Đức Hòa, Long An) khi đang lưu thông trên đường, không may va chạm với xe ba gác chở sắt xây dựng. Anh K. bị 11 cây sắt đâm xuyên chân trái.

Người dân kịp thời giải cứu và đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện. Người dân phải dùng máy cưa sắt để cắt ngắn 11 thanh sắt mới giải phóng được nạn nhân ra khỏi đống sắt trên chiếc ba gác.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn, kích thích, vật vã, máu chảy nhiều, vết thương nham nhở, do bị 11 thanh sắt đâm xuyên chân trái. Các bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình Vi phẫu nhanh chóng sơ cứu, hội chẩn xử trí cấp cứu cho bệnh nhân.

Hình ảnh 11 thanh sắt đâm xuyên chân trái bệnh nhân.

Vị trí nhiều thanh sắt đâm xuyên chân trái, vết thương nham nhở nên tiên lượng sẽ có nhiều thương tổn nguy hiểm khi phẫu thuật rút thanh sắt ra.

Do đó, các bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra chiến lược hợp lý cho cuộc mổ nhằm đảm bảo kiểm soát các mạch máu quan trọng xung quanh vị trí chọc thủng của thanh sắt.

Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra 11 thanh sắt dài khoảng 40cm. May mắn là các thanh sắt xuyên qua chân nhưng không làm đứt các mạch máu quan trọng.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, đang được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Chỉnh hình Vi phẫu.

Ngoài ra, bệnh nhân còn gãy liên lồi cầu xương đùi trái, sẽ mổ thì 2 khi hồi sức ổn, dự kiến qua tuần sẽ mổ xương đùi.

Những thanh sắt được các bác sĩ lấy ra khỏi cơ thể người đàn ông.

Các bác sĩ cho biết, đây là tai nạn hy hữu, rất nguy hiểm. May mắn là bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, được sơ cứu tại chỗ hợp lý (cắt và giữ nguyên thanh sắt xuyên chân, cố định tạm).

Trong sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể, không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu, đặc biệt là nghi ngờ có đâm vào mạch máu lớn. Dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm, khi vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt.

Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, tạo khó khăn cho việc xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.

Việc cần làm là sơ cứu đúng cách, cố định dị vật và không nên cố gắng rút các dị vật ra khỏi vết thương. Đồng thời, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Tin mới