Bà Caroline D. Pham, Ủy viên Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC - cơ quan chính phủ tham gia điều tiết các hoạt động thị trường phái sinh), đưa ra nhận định tích cực về xu hướng các công ty Việt Nam phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ, trong buổi trả lời báo chí chiều 13/11.
Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào vị trí thuộc nhánh hành pháp của chính phủ, vị trí đã được Thượng viện phê chuẩn.
- Bà có thể chia sẻ thêm về chuyến thăm Việt Nam, những gì bà mong muốn từ chuyến đi này?
Thật tuyệt vời khi sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, với tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của chúng ta, động lực cho các hoạt động hợp tác được tiếp nối, và tôi rất vui khi được có mặt ở đây.
Với tư cách là một quan chức chính phủ Mỹ, việc có mặt ở đây và giúp hỗ trợ cho các chương trình của phái đoàn trong việc củng cố tình hữu nghị là rất quan trọng. Và tôi thực sự rất vui khi được tham gia các hoạt động song phương, bao gồm với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với Bộ Ngoại giao và với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam.
Các hoạt động giúp chúng ta tăng cường việc trao đổi ý tưởng, học hỏi và thông tin lẫn nhau. Điều này cũng giúp tôi hỗ trợ tốt hơn cho nhiệm vụ của CFTC, xoay quanh thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm và cạnh tranh công bằng, cùng với các giá trị cá nhân của tôi với tư cách là ủy viên, đó là hỗ trợ tăng trưởng, tiến bộ và khả năng tiếp cận thị trường.
Đối với Việt Nam, tôi luôn có cảm giác muốn được thăm nơi này vì đây là quê hương của gia đình tôi, và tôi cảm nhận được mối liên hệ với đất nước, vùng đất này. Tôi cũng hào hứng tìm hiểu về những món ăn Việt Nam mà tôi yêu.
Bà Caroline D. Pham.
- Bà đánh giá thế nào về xu hướng các công ty Việt Nam kỳ vọng IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ?
Tôi nghĩ một trong những điều thú vị thu hút các công ty quan tâm đến thị trường vốn Mỹ cho thấy Mỹ có thị trường vốn sâu nhất và thanh khoản tốt nhất trên thế giới, nơi mà mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới để tiếp cận nguồn tài trợ, giúp thúc đẩy tăng trưởng. Thêm vào đó, điều đó cũng giúp ích cho các hoạt động trao đổi song phương và thúc đẩy sự thịnh vượng chung.
Một điều tuyệt vời nữa là khi các công ty của các quốc gia khác đến Mỹ để được niêm yết, nó thể hiện sức mạnh không chỉ của thị trường chứng khoán Mỹ mà còn là cả những giá trị chính đã thúc đẩy thị trường vốn này, như giá trị về quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch mạnh mẽ thông qua việc công bố thông tin ra công chúng. Điều này ngược lại giúp nâng cao vị thế của các công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
- Vậy Mỹ có chính sách nào khuyến khích các doanh nghiệp từ Việt Nam muốn đi theo xu hướng này hay không?
Tôi nghĩ rằng cũng như tất cả các quốc gia, Mỹ rất mong muốn thúc đẩy đầu tư và thu hút các công ty đến làm ăn với Mỹ. Đặc biệt khi bạn nghĩ về một số lĩnh vực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, như sản xuất và công nghệ, thì tôi nghĩ một trong những điều quan trọng chúng ta muốn thúc đẩy về các hoạt động trao đổi và ưu tiên trong thương mại hoặc đầu tư, là hỗ trợ các lực lượng lao động mạnh được đào tạo và có kỹ năng.
- Là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được Tổng thống bổ nhiệm vào vị trí nhánh hành pháp, câu chuyện sự nghiệp của bà là gì? Bà có bình luận vì về tiềm năng phát triển của những người Mỹ gốc Việt trẻ khác?
Đó là một thử thách. Tôi lớn lên ở vùng Central Valley của California, khi đó chúng tôi là gia đình người Việt duy nhất ở đó. Trong một thời gian dài, khi xung quanh không có người Mỹ gốc Á nào khác, bạn phải lái xe một tiếng rưỡi để đến các khu ví dụ như San Jose - nơi có cộng đồng người Việt đông đảo hơn vào các dịp như ăn Tết chẳng hạn.
Những trải nghiệm như vậy giúp tôi học được một số giá trị văn hóa rất quan trọng từ khi còn nhỏ. Một số trong số đó là phải có sự kiên trì và kiên cường. Mẹ tôi nói với tôi rằng, nếu con đủ muốn làm điều gì đó, con sẽ tìm cách. Điều đó đã giúp chỉ đường cho tôi trong sự nghiệp, khi dù đối mặt với thử thách nào, dù mọi người không tin vào tôi nhưng tôi biết rằng mình được gia đình tin tưởng, và bản thân tôi tin tưởng vào chính mình, nên tôi sẽ tiếp tục, cố gắng hết sức để làm việc chăm chỉ nhất có thể.
Còn tiềm năng với những người trẻ thực sự là không giới hạn. Với tư cách là ủy viên, một trong những điều tôi đã cố gắng hỗ trợ và thúc đẩy, bao gồm cả về sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, đó là bạn nên trở thành một người học hỏi suốt đời, bạn nên có tư duy phát triển, nên tò mò và cởi mở với những ý tưởng mới. Và tôi nghĩ một số giá trị văn hóa mà tôi biết, như được gia đình truyền lại, là chìa khóa của văn hóa Việt Nam, là sự chăm chỉ và tầm quan trọng của giáo dục. Đây là những điều góp phần tạo nên tiềm năng thành công vô hạn với mong muốn được học tập và cải tiến liên tục.
- Bà đã có những trải nghiệm thế nào về văn hóa Việt Nam?
Tôi đã có những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực tuyệt vời. Mẹ tôi từng tự nấu các món như phở, chả giò ở nhà và tôi rất yêu những món ăn đó. Ở đây tôi đã có cơ hội được ăn thử, thực sự rất ngon.
Con gái tôi rất vui mừng được đến Việt Nam và tìm hiểu thêm về di sản cũng như văn hóa của đất nước này. Có rất nhiều nơi mà tôi mong có thể đến, như TP.HCM, nơi rất thú vị với sự tăng trưởng, các trung tâm tài chính và phát triển ở đó. Những địa điểm đẹp khác như Vịnh Hạ Long hoặc những nơi gia đình tôi đi nghỉ khi bố mẹ tôi còn trẻ.
Lần này tôi đến Việt Nam không được lâu nhưng tôi hy vọng có thể quay lại và cũng rất muốn được quay lại cùng gia đình. Hôm qua chúng tôi đã đến Hoàng thành Thăng Long, đó là một trải nghiệm đáng kinh ngạc vì đây là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Tôi được nhìn thấy trong đó phần nào sự liên tục và sức mạnh của các triều đại Việt Nam khác nhau trong 1000 năm qua, được tìm hiểu về lịch sử đã kết nối tôi với nơi này. Và điều đó giúp chúng tôi cảm thấy tự hào vì văn hóa và phần nguồn gốc Việt Nam của mình.