Những tác hại của rượu bia với sức khoẻ
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc khuyến cáo, những tác hại của rượu bia với sức khỏe mọi người như sau:
Ảnh hưởng tới não bộ
Khi lượng rượu bia (đồ uống chứa cồn) lớn vào cơ thể sẽ gây rối loạn bộ não, khiến bộ não không còn kiểm soát, điều chỉnh được các hoạt động. Từ đó, gây ra các hiện tượng như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liều lĩnh hơn… cho người sử dụng.
Ảnh hưởng tới cơ tim
Rượu bia làm cho cơ tim bị thoái hóa, bộ máy tim mạch bị tổn thương. Dùng rượu mạnh trong thời gian dài có thể gây giãn cơ tim, phì đại tâm thất và xơ hóa.
Tác hại với dạ dày
Khi rượu bia vào trong cơ thể chúng bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde có thể gây viêm loét dạ dày, loét dạ dày và tá tràng.
Tác hại với bệnh gan
Khi rượu vào cơ thể nó được hấp thụ nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30 - 60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết. Sau đó, rượu được chuyển hóa chủ yếu vào tại gan (90%).
Do vậy, chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan bị nhiễm mỡ, xơ gan và nghiêm trọng hơn nữa là ung thư gan.
Uống rượu sau bao lâu thì hết nồng độ cồn trong hơi thở?
Tác hại với tim mạch, huyết áp
Rượu gây ra thiếu vitamin B1, làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức … dần dần dẫn tới suy tim. Nhiễm độc rượu dẫn tới viêm cơ tim cấp, gây nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát ở những người bình thường.
Uống rượu sau bao lâu thì hết nồng độ cồn trong hơi thở?
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Người trưởng thành có sức khoẻ bình thường, cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.
Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 - 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 - 90% sẽ được xử lý qua gan.