Theo các chuyên gia, khi uống rượu hoặc bia, lượng cồn trong máu phụ thuộc vào 4 yếu tố: Cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong đồ uống.
Trao đổi với Zing News, bác sĩ Cao Xuân Phúc, Học viện Quân Y - Viện 103 cho biết, trong một chai rượu mạnh 40 độ, cứ 100ml rượu sẽ có 40ml cồn. Với một người cân nặng khoảng 60 kg, chỉ cần uống 21 gam cồn (tương đương 65ml rượu 40 độ, bằng một chén rượu trung bình chúng ta vẫn sử dụng).
Sau 30 phút, nồng độ cồn có thể đạt tối đa tới con số 50mg/100ml máu. Như vậy, nếu ước lượng như thông thường, chỉ cần uống một chén rượu trung bình vẫn dùng để uống chè hoặc nửa lít bia, lượng cồn trong máu có thể vượt quá mức tối thiểu 50mg/100ml máu.
Uống bao nhiêu rượu, bia thì hơi thở có nồng độ cồn là băn khoăn của rất nhiều người. (Ảnh minh họa)
Việc sử dụng nồng độ cồn ở nam và nữ khác nhau, thường ở nam giới cao hơn. Cả hai người cùng uống một loại rượu, nhưng nồng độ cồn trong máu của phụ nữ tăng cao hơn nam giới, do cơ thể người phụ nữ ít nước và nhiều mô mỡ hơn nam giới. Vì vậy, để tránh xa các mức xử phạt, phụ nữ nên uống ít hơn mức khuyến cáo trên.
Các bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng, việc tính nồng độ cồn trong máu dựa trên lượng tiêu thụ bia rượu không đưa ra con số chính xác. Nó chỉ có giá trị tham khảo để một người có thể tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống cần phải thận trọng hơn.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, với nam giới khỏe mạnh không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày, nữ giới khỏe mạnh đừng uống quá 1 đơn vị cồn/ ngày, không uống quá 5 ngày/tuần. Uống như vậy sẽ an toàn cho sức khỏe của bạn hơn nhé.
Về mặt khoa học, nồng độ cồn, dù ở mức nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thần kinh, gây thiếu tỉnh táo, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.